Sau thép và pin mặt trời, đến ngành nhựa căng mình chống đỡ hàng Trung Quốc
Nhà máy hoá dầu mọc lên như nấm
Trong thập kỷ qua, các nhà máy hoá dầu đã mọc lên như nấm dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc, theo đưa tin từ Bloomberg.
Chúng xuất hiện để thoả mãn “cơn đói nhựa” của đất nước tỷ dân, đồng thời giúp các nhà máy lọc dầu chống lại sự sụt giảm dự kiến của nhu cầu nhiên liệu vận tải khi xe điện dần lên ngôi.
Trong giai đoạn từ 2019 đến cuối năm nay, Trung Quốc đã và sẽ chào đón thêm nhiều nhà máy hoá dầu mới có thể chế biến dầu thô và khí đốt thành các sản phẩm như ethylene và propylene - những vật liệu dùng để sản xuất chai nhựa và máy móc.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất của các nhà máy hoá dầu tại Trung Quốc hiện ngang bằng với tổng công suất của ba thị trường châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Thử lấy propylene, loại vật liệu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, làm ví dụ.
Các nhà máy nhỏ sử dụng công nghệ PDH (propane dehydrogenation) tại Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Theo IEA, chỉ riêng các nhà máy Trung Quốc đã giúp tăng hơn gấp đôi công suất PDH toàn cầu từ năm 2019 đến 2024.
Một phần lý do cho sự mở rộng nhanh chóng đó là các nhà máy nhỏ hơn không cần sự chấp thuận của Bắc Kinh như các nhà máy lọc dầu lớn.
Các chính quyền địa phương cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội sử dụng đất giá rẻ và các ưu đãi tài chính để khuyến khích xây dựng nhà máy, tạo lập việc làm và thúc đẩy đầu tư.
Tất cả đều tìm cách đáp ứng nhu cầu của một loại nhựa được gọi là polypropylene, vật liệu được sử dụng làm bao bì nhựa, phụ tùng ô tô và thiết bị điện.
Sự bùng nổ của ngành nhựa Trung Quốc đã làm thay đổi ngành công nghiệp hoá dầu toàn cầu. Giữa lúc các đối thủ nước ngoài chững lại, các công ty tư nhân và nhà máy lọc dầu nhà nước tại Trung Quốc đã vươn lên chiếm ưu thế.
Bà Kelly Cui, nhà phân tích hoá dầu tại Wood Mackenzie, cho hay: “Các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc trong giai đoạn 2020 - 2027 đã định hình lại bức tranh ngành hoá dầu toàn cầu....”
Vị chuyên gia cho biết nguồn cung hoá dầu đã trở nên dư thừa tại khu vực châu Á và nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp hoặc thậm chí âm.
Lặp lại tình trạng dư thừa công suất
Sau đại dịch, sản lượng gia tăng nhưng nhu cầu trong nước suy yếu đã khiến biên lợi nhuận của các nhà máy hoá dầu Trung Quốc sụt giảm. Song, họ vẫn tiếp tục sản xuất với hy vọng giữ được thị phần hiện có.
Tương tự tình cảnh khó khăn với pin mặt trời và các sản phẩm năng lượng sạch khác, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất hoá dầu trầm trọng.
Bà Michal Meidan, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nhận định: “Tình trạng dư thừa công suất hoá dầu ở Trung Quốc dường như là một rủi ro bị đánh giá thấp”.
“Các doanh nghiệp hoá dầu phương Tây đang đánh giá thấp cả khối lượng lẫn tính chất của tình trạng dư thừa công suất ở thị trường tỷ dân”, bà cảnh báo.
Các nhà máy tại Trung Quốc đang điều tiết nguồn cung bằng cách tạm ngừng hoạt động trong thời gian ngắn và hạn chế công suất nhưng sản lượng vẫn tăng.
Một số giám đốc và nhà phân tích trong ngành cho biết tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ tăng lên - ở nhiều sản phẩm còn tăng đủ để biến Trung Quốc thành một nhà xuất khẩu nhựa lớn.
Ông Charlie Vest, Phó Giám đốc của Rhodium Group, cho hay: “Đây là một ví dụ khác - sau thép và tấm pin mặt trời - cho thấy tình trạng mất cân bằng về mặt cấu trúc của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu”.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hoá dầu có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, nơi lĩnh vực hoá dầu cũng phát triển mạnh.
Chưa kể, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại ở Washington và Brussels về tình trạng dư thừa công suất do chính sách trợ cấp của Bắc Kinh.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu ròng polypropylene từ tháng 3 năm nay. Các lô hàng chủ yếu đến các nước Nam và Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Bangladesh và xa hơn tới tận Brazil.
Ông Vest của Rhodium Group cho biết Trung Quốc đã là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm polyester như PVC và PET, hai vật liệu được sử dụng để sản xuất quần áo hoặc hộp đựng thực phẩm. Các thị trường xuất khẩu chính của hai loại vật liệu này là Nigeria, Việt Nam và Ấn Độ.
Nhà phân tích Vivien Zheng của Bloomberg Intelligence cho hay: “Mọi doanh nghiệp ở Trung Quốc đều quan niệm rằng nếu họ đủ nhanh, nếu họ đi đầu và có thể đốt tiền đủ lâu thì họ sẽ trở thành những kẻ sống sót cuối cùng để giành lấy thị phần. Sau cùng, họ có thể tăng giá bán”.
Nếu Bắc Kinh không hành động, chẳng hạn như kêu gọi doanh nghiệp hạn chế các sản phẩm cấp thấp và chuyển sang chế biến những vật liệu đặc biệt hơn, tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc sẽ khó mà đảo chiều trong tương lai gần.