Ngành thuỷ sản sẽ hưởng lợi khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ?
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã kết thúc với phần thắng thuộc về ông Donald Trump - người từng giữ vị trí ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Với doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, câu hỏi đặt ra lúc này là trong 4 năm tiếp theo, những chính sách của ông Trump, nhất là những chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu, sẽ tác động thế nào đến hoạt động bán hàng? Liệu rằng những tác động đó có tương tự như nhiệm kỳ 2017 - 2021 không?
Trong những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm.
Nhìn lại quá khứ ở nhiệm kỳ trước của ông Trump, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ nhìn chung tăng trưởng. Duy nhất, năm 2019 kim ngạch giảm 6,6% so với năm 2018 do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ tăng ngay cả khi nước này duy trì áp dụng các biện pháp thuế phòng vệ thương mại. Điển hình như năm 2017, mức thuế sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) 2,39 USD/kg với toàn quốc và các công ty bị đơn tự nguyện.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam còn trải qua thêm 3 kỳ rà soát với mức thuế cao nhất là 2,39 USD/kg.
Tương tự, mặt hàng tôm cũng phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,3% đến 25,76% được áp dụng từ năm 2004. Chỉ 2 bị đơn bắt buộc một số công ty được hưởng mức thuế 0%.
Trong năm nay, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ duy trì đà phục hồi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), tính tới cuối tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ mang về 1,85 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.
Ngày 22/10, Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador và Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Đối với các nước khác, tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với thuế chống bán phá giá tuy nhiên phải nhận mức thuế CVD trung bình là 3,78%. Indonesia thì ngược lại với kết quả tích cực với thuế CVD nhưng phải nhận mức thuế chống bán phá giá trung bình là 3,9%. Tôm Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.
VASEP nhận định mặc dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này. Do đó, thương mại thủy sản Việt Nam với Mỹ ít bị tác động trước những biến động chính trị như kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, dù kết quả bầu cử có thể gây xáo trộn trong thương mại thế giới.
Tuy nhiên, khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống, các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời ông Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
VASEP cho rằng trong bối cảnh Mỹ - Trung đang đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu. Cụ thể, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.
Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và việc nước này tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.
Khi căng thẳng thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) lưu ý về rủi ro chính sách kinh tế nếu ông Donald Trump áp thuế quan cao đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ các quốc gia, bao gồm cá tra Việt Nam.
Dù vậy, PHS cho rằng mức thuế 10% - 20% áp dụng cho hầu hết quốc gia sẽ không làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam, trong khi mức thuế 60% đối với Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thị phần giữa cá tra Việt Nam với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ.
Thêm vào đó, PHS cho rằng việc áp thuế có thể chưa được triển khai ngay lập tức, tương tự giai đoạn ông Trump nhậm chức vào năm 2016 nhưng đến năm 2018 mới thực hiện chính sách cải cách thuế mới.
Thách thức từ các chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ
Mặc dù Việt Nam có thể tận dụng một số cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
VASEP cho rằng dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này.
Chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.
Mỹ sắp ban hành quyết định thuế CVD chính thức đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác.Theo trình tự ngày 5/12 Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trong bài viết mới đây trên website của công ty, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho rằng nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngành tôm Mỹ, mức thuế 2,84% trở thành chính thức, dựng nên một rào cản không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam; và ngược lại.
Trước đây, ngành tôm Việt Nam cũng từng bị kiện tương tự nhưng ITC đã phán quyết hủy bỏ vụ kiện.
Ở kịch bản tích cực, tho ông Lực, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị phần. Đồng thời Hải quan Mỹ sẽ trả lại phần tiền tạm nộp cho các lô hàng bán vào đây từ quý II/2024 và các khoản tiền trích dự phòng trên sổ sách sẽ thành thành khoản thu lãi.
"Nếu kịch bản "thuận" xảy ra, Sao Ta sẽ thu về không ít hơn 40 tỷ đồng cho khoản dự phòng thuế này, góp phần tích cực cho hoàn thành kế hoạch 2024", ông Lực cho biết.