|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng quy tụ 20.000 thương hiệu cà phê Việt Nam, nhà sáng lập bị 5 'cá mập' từ chối vì ước mơ quá xa vời

11:38 | 10/05/2021
Chia sẻ
Kết thúc tập 2 mùa 4 Shark Tank Việt Nam là startup đến từ thương hiệu Đất Sài Gòn, kêu gọi 5 vị cá mập xuống vốn với 1,2 triệu USD cho 30% cổ phần của công ty.

"Lịch sử đã gọi tên tôi", nhà sáng lập Vũ Quốc Việt đã bắt đầu màn pitching với câu khẳng định đầy chắc chắn. Ông Việt là CEO và nhà sáng lập của CTCP Đất Sài Gòn, hoạt động từ năm 2007.

Công ty của ông Việt hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế thi công chuỗi cà phê nhượng quyền. Với kinh nghiệm 20 năm trong ngành, ông Việt mong muốn nhận được mức đầu tư 1,2 triệu USD giải ngân trong hai năm để đổi lấy 30% cổ phần công ty.

Theo tính toán của nhà sáng lập, năm 2030 công ty sẽ đạt doanh thu 500 triệu USD. Ông cho rằng nếu thành công, sẽ là một may mắn cho dự án quốc gia khởi nghiệp. Trong trường hợp chưa thành công, ông vẫn muốn câu chuyện này sẽ đến được với Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch của ông là quy tụ 20.000 thương hiệu cà phê Việt Nam và hơn 1.000 nhà máy nhỏ lẻ, gom thành 5 đại công xưởng chế biến cà phê xuất khẩu, qua đó đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thành công nghiệp F&B. Đây là dự án ông đã ấp ủ suốt 20 năm qua.

"Ngày 24/5/2016, Tổng thống Obama sang Việt Nam và phát biểu: 'Tôi muốn thưởng thức ly sữa đá cà phê Việt Nam'. Tổng thống không bao giờ phát biểu những câu thừa", ông Việt nói.

Cắt lời ông Việt, Shark Phú cho rằng ông nên tập trung vào doanh nghiệp của mình, cần phải đánh giá trong 13 năm qua công ty vẫn còn thiếu yếu tố gì. Đáp lại, ông Việt tiết lộ hiện công ty của ông đang cung cấp cà phê rang xay cho các quán trên ba miền cũng như một số thị trường ngoại như Nga, Campuchia.

Do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện tại doanh thu của Đất Sài Gòn rơi vào khoảng 400-500 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức doanh thu quá nhỏ với ngành tiêu dùng, theo nhận định của Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.

CEO chuỗi cà phê nhượng quyền Đất Sài Gòn kêu gọi 5 shark tham gia dự án Quốc gia khởi nghiệp với 1,2 triệu USD  - Ảnh 1.

CEO Đất Sài Gòn, ông Vũ Quốc Việt (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tuy vậy, các nhà đầu tư đều nhận định ước mơ của ông Việt là quá lớn. Chính vì cảm thấy quá xa vời, Shark Phú là người đầu tiên từ chối đầu tư. Nhà sáng lập sau đó dẫn về ví dụ về một người đã bỏ Đại học Y khoa để làm startup cà phê, sau 20 năm thặng dư 10.000 tỷ đồng. Bỏ học ngành Y để theo đuổi cà phê chính là câu chuyện về ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.

Trở lại với Đất Sài Gòn, hiện tại trong hệ thống của mình, công ty đã tư vấn thi công cho khoảng 300-400 quán cà phê và cung cấp sản phẩm cho 100-120 quán trong số đó.

Theo ông Việt, giá cà phê của Đất Sài Gòn dao động vào khoảng 100.000 đồng/kg, có loại 50% và 100% cà phê. Với loại 50%, ngoài cà phê rang xay thì còn trộn thêm đỗ tương, đậu nành. Hạt cà phê của Đất Sài Gòn thuộc ba loại hạt robusta, culi, arabica.

Nhà sáng lập cũng từ chối chia sẻ về tỷ lệ các loại hạt trong cà phê khi cho rằng đó là bí quyết của công ty.

Ông Phạm Thanh Hưng cũng nhấn mạnh việc Đất Sài Gòn không định vị được bản thân là chuỗi cà phê hay đơn vị cung cấp cà phê rang xay. Ông cho rằng nếu có 1,2 triệu USD thì Đất Sài Gòn cũng chỉ đốt trong vòng vài tháng và không thu về được hiệu quả. Đây cũng là lý do Phó Chủ tịch CenGroup từ chối đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Việt và bà Đỗ Liên sau đó cũng nhanh chóng rút lui. Bà Đỗ Liên cho rằng nhà sáng lập không công khai thành phần, tỷ lệ các loạt hạt trong cà phê khiến bà cảm thấy công ty đặt lợi nhuận cao hơn sự trung thực trong sản phẩm. Ông Việt thì phân tích rằng không có dấu hiệu nào cho thấy rót tiền sẽ giúp công ty phát triển mạnh hơn.

"Ở sân chơi Shark Tank, các startup đừng bán cho nhà đầu tư ước mơ. Các nhà đầu tư chỉ mua kế hoạch kinh doanh, cộng với năng lực thực thi của startup. Thái độ của anh với mảng kinh doanh hơi ở trên mây", ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech nhận xét, kèm lời khuyên "mơ lớn, nhưng làm nhỏ thôi".

Sau khi bị các nhà đầu tư từ chối, nhà sáng lập vẫn mong muốn mời các nhà đầu tư trở thành nhà tư vấn cho mình. Tuy nhiên ông Bình cho rằng bản thân chỉ có thể cung cấp công nghệ cho Đất Sài Gòn, vì đây là điều ông làm tốt nhất.

Thùy Trang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.