|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tầm nhìn thương hiệu (Brand Vision) là gì? Vai trò của tầm nhìn

10:22 | 17/10/2019
Chia sẻ
Tầm nhìn thương hiệu (tiếng Anh: Brand Vision) là một thông điệp ngắn gọn và xuyên suốt, định hướng hoạt động của thương hiệu đồng thời cũng định hướng phát triển cho thương hiệu qua phân tích định vị giữa hiện tại và tương lai.
What-is-a-brand-vision-pixels-ink

Hình minh hoạ (Nguồn: pixelsink)

Tầm nhìn thương hiệu

Khái niệm

Tầm nhìn thương hiệu trong tiếng Anh được gọi là Brand Vision.

Xây dựng tầm nhìn thương hiệu là một trong những bước quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Xây dựng thương hiệu là quá trình lựa chọn và kết hợp các thuộc tính hữu hình cũng như vô hình với mục đích khác biệt hoá sản phẩm hoặc bản thân doanh nghiệp với cách thức thú vị, có ý nghĩa và hấp dẫn.

Tầm nhìn thương hiệu là một thông điệp ngắn gọn và xuyên suốt, định hướng hoạt động của thương hiệu đồng thời cũng định hướng phát triển cho thương hiệu qua phân tích định vị giữa hiện tại và tương lai.

Tuyên bố tầm nhìn thương hiệu bao gồm những gì mà thương hiệu muốn mình sẽ trở thành, là cái mà thương hiệu muốn mình đại diện và là nguyên nhân tại sao thương hiệu đó cống hiến để được ngưỡng mộ. 

Tuyên bố tầm nhìn thường là một câu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ truyền tải tinh thần, nỗ lực và lòng nhiệt tình với công việc kinh doanh.

Vai trò Tầm nhìn thương hiệu

Tầm nhìn hương hiệu có một số vai trò như:

- Thống nhất mục đích phát triển của thương hiệu và tạo sự nhất quán trong hoạt động quản trị thương hiệu

- Định hướng sử dụng nguồn lực cho thương hiệu

- Xây dựng thước đo cho sự phát triển thương hiệu và tạo tiền đề cho việc xây dựng các mục tiêu phát triển

- Động viên nhân viên hướng tới mục đích phát triển chung

So sánh với tầm nhìn doanh nghiệp

Tầm nhìn thương hiệu có mối liên quan chặt chẽ với tầm nhìn doanh nghiệp. Do thương hiệu là một chức năng quản trị doanh nghiệp nên đương nhiên tầm nhìn thương hiệu phải được tuyên bố hòa đồng với tầm nhìn doanh nghiệp.

Tầm nhìn doanh nghiệp thường gắn với các tuyên bố kinh tế của doanh nghiệp như: mức độ thống lĩnh thị phần, những định hướng kinh doanh và giá trị kinh tế dành cho các bên hữu quan. Khác với tầm nhìn doanh nghiệp, tầm nhìn thương hiệu mang tính cảm xúc hơn.

Đối với các công ty xây dựng mô hình đa thương hiệu thì công ty đó có thể có một tầm nhìn doanh nghiệp nhưng lại có số lượng nhiều hơn về tầm nhìn thương hiệu. Mỗi thương hiệu hoặc nhóm thương hiệu của công ty có thể được xác lập một tầm nhìn riêng.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị thương hiệu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

Diệu Nhi