|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình đa thương hiệu là gì? Ưu và nhược điểm

23:30 | 16/10/2019
Chia sẻ
Mô hình đa thương hiệu là mô hình tạo dựng đồng thời cả thương hiệu gia đình và thương hiệu cá biệt, thậm chí cả thương hiệu nhóm.
Multi-Brand-Strategy-3

Hình minh hoạ (Nguồn: marketing91)

Mô hình đa thương hiệu

Khái niệm

Mô hình đa thương hiệu là mô hình tạo dựng đồng thời cả thương hiệu gia đình và thương hiệu cá biệt, thậm chí cả thương hiệu nhóm nhằm vừa khai thác lợi thế của mô hình thương hiệu cá biệt vừa khắc phục được những nhược điểm của mô hình thương hiệu gia đình (đôi khi người ta gọi đây là mô hình thương hiệu bao vây). 

Trong thực tế, xuất phát từ chỗ trước đây các doanh nghiệp chỉ xây dựng thương hiệu gia đình, vì thế đã không tạo ra được sự cá biệt và đặc sắc cho hàng hoá của mình, nên rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn mô hình đa thương hiệu.

Các cách kết hợp

Mô hình đa thương hiệu có thể được thực hiện theo cách tạo ra sự kết hợp song song hoặc bất song song.

- Kết hợp song song là tạo ra sự thể hiện và vai trò của thương hiệu gia đình và thương hiệu cá biệt là như nhau, như là hai bộ phận của một thương hiệu. Cách kết hợp song song cũng có thể nhận thấy rất rõ khi kết hợp giữa thương hiệu gia đình và thương hiệu nhóm.

- Kết hợp bất song song là dạng kết hợp trong đó một thương hiệu (hoặc gia đình hoặc cá biệt) được thể hiện rõ hơn, mang tính chủ đạo và thương hiệu còn lại sẽ có vai trò bổ sung, hỗ trợ. 

Có thể kết hợp bất song song dưới dạng thương hiệu gia đình là chủ đạo, còn thương hiệu cá biệt chỉ đóng vai trò hỗ trợ, mô tả và thúc đẩy. Vai trò và sự thể hiện của thương hiệu gia đình trong trường hợp này quan trọng hơn nhiều so với thương hiệu cá biệt. 

Thương hiệu cá biệt như một chỉ dẫn cụ thể về một chủng loại sản phẩm riêng biệt với những thuộc tính hay một sự đổi mới nào đó so với thương hiệu trước đó, ít được người ta chú ý hơn là thương hiệu gia đình. 

Kết hợp bất song song kiểu này thường xảy ra khi mà uy tín của thương hiệu mẹ (thương hiệu gia đình) đã có, sự kết hợp làm cho thương hiệu cá biệt đến nhanh hơn với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cũng có thể áp dụng sự hoán vị từng bước hai dạng kết hợp bất song song cho nhau theo kiểu "tiến - lùi", nghĩa là một trong hai thương hiệu dần giữ vai trò chủ đạo, trong khi thương hiệu kia lùi dần lại phía sau với vai trò hỗ trợ, bổ sung.

Ưu và nhược điểm 

Ưu điểm:

- Khai thác lợi thế và uy tín của thương hiệu gia đình nhằm khuyếch trương thương hiệu cá biệt

- Khi một thương hiệu cá biệt nào đó nổi tiếng sẽ kích thích người tiêu dùng tìm hiểu và biết đến thương hiệu gia đình

- Góp phần hạn chế rủi ro nếu một thương hiệu cá biệt nào đó gặp sự cố

- Sự tác động tương hỗ giữa thương hiệu cá biệt và thương hiệu gia đình trong mô hình này mang lại hiệu quả rất cao trong phát triển thương hiệu của doanh nghiệp

- Mô hình đa thương hiệu sẽ tăng khả năng chiếm lĩnh vị trí trưng bày hàng hoá của doanh nghiệp trong các siêu thị và quầy hàng

Hạn chế:

- Đòi hỏi đầu tư cho thương hiệu rất lớn do có nhiều thương hiệu, rất khó phù hợp với các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ. 

Trong thực tế mô hình này thường chỉ được các công ty đa quốc gia hoặc các tập đoàn lớn áp dụng. Mô hình này cũng không phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh chủng loại hàng hoá hẹp.

- Sự phát triển nhiều thương hiệu cũng đòi hỏi đội ngũ nhân viên quản trị thương hiệu đông đảo và sành sỏi.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị thương hiệu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

Diệu Nhi

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.