|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao hành động quyết đoán là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai?

09:20 | 18/06/2020
Chia sẻ
Theo Bloomberg, nhiều quốc gia đang nới lỏng phong tỏa ngay cả khi các chuyên gia dự đoán làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19 sắp xảy ra. Dựa vào kinh nghiệm từ làn sóng đầu tiên, các nước có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất nếu hành động nhanh chóng và mạnh mẽ.

Các nước từng ngần ngại thực hiện phản ứng ngăn chặn trên diện rộng khi COVID-19 mới xuất hiện có số ca tử vong trung bình trên 100.000 dân cao gấp 8 lần so với các nước hành động ngay sau khi đại dịch bùng phát, hoặc thậm chí là trước cả khi trường hợp đầu tiên được công bố.

Số liệu nêu trên là kết quả từ phân tích Chỉ số Stringency mà Bloomberg thực hiện. Chỉ số này đo lường mức độ nghiêm ngặt của chính sách phong tỏa mà Trường Quản lí Nhà nước Blavatnik thuộc Đại học Oxford theo dõi cũng như dựa theo dữ liệu COVID-19 của Đại học Johns Hopkins.

Ông Mark Dybul - giáo sư y tế tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown kiêm cựu Giám đốc Quĩ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét, cho hay: "Nếu hành động chậm, số ca nhiễm sẽ rất lớn và càng khó kiểm soát hơn. Ngay cả khi áp dụng các lệnh hạn chế nghiêm ngặt, đại dịch đã lây lan ở một mức độ nhất định và rất khó xử lí".

Tại sao hành động nhanh chóng là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai? - Ảnh 1.

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Công cụ Theo dõi Phản ứng Chính phủ trước đại dịch COVID-19 của Đại học Oxford, Trường Quản lí Nhà nước Blavatnik, Bloomberg; Việt hóa: Yên Khê

Giải thích khái niệm

Về định nghĩa, phản ứng nhanh là khi các nước công bố bộ biện pháp ngăn chặn dịch đầy đủ và có hiệu lực trong vòng 35 ngày kể từ khi ghi nhận trường hợp dương tính đầu tiên. 35 ngày là khoảng thời gian trung bình cho tất cả các nước nằm trong phân tích của Bloomberg.

Phản ứng chậm tức là chần chừ chưa chịu ngăn dịch, ví dụ điển hình là chiến lược "miễn dịch cộng đồng" ban đầu của chính phủ Anh, hoặc chỉ từ từ áp thêm các lệnh hạn chế khi số ca nhiễm tăng lên.

Phản ứng mạnh bao gồm một loạt các biện pháp ngăn chặn dịch trên nhiều phương diện, từ kiểm soát qui mô của các cuộc tụ họp đến hạn chế du lịch trong nước. Thông thường, các lệnh hạn chế này được áp dụng trên phạm vi cả nước.

Phản ứng yếu tức là áp dụng ít biện pháp hơn, thường chỉ là yêu cầu ở một khu vực nhất định hoặc khuyến nghị đơn thuần.

Nhật Bản là ví dụ điển hình, vì chính phủ chỉ khuyến khích người dân ở yên trong nhà, làm việc từ xa và hủy bỏ các sự kiện nhưng không hạn chế các cuộc tụ tập, các chuyến tàu điện ngầm đông đúc và để các tỉnh, thành tự quyết định có đóng cửa trường học hay không.

Sự đối lập giữa Argentina và Brazil

Hầu hết các nước đều đặt ra một số hạn chế đối với hệ thống giáo dục và du lịch quốc tế nhưng các nước có phản ứng chống dịch mạnh nhất đều hành động quyết liệt hơn. Theo đó, Argentina giành được điểm số cao nhất trên Chỉ số Stringency sau khi phong tỏa hoàn toàn cuộc sống thường nhật của người dân.

Cụ thể, mọi trường học và doanh nghiệp không thiết yếu tại Argentina đều đóng cửa; toàn bộ xe buýt và xe lửa liên tỉnh cũng như chuyến bay nội địa đều tạm ngừng; biên giới quốc tế đóng cửa hoàn toàn, công dân Argentina cũng không được thông quan; và các trạm kiểm soát được thiết lập trên đường phố để bắt những người không tuân thủ cách li và họ có thể bị phạt tù lên đến hai năm.

Nước láng giềng Brazil lại áp dụng chiến lược ngược lại: phản ứng chậm trễ do bất đồng nội bộ giữa chính quyền địa phương và Tổng thống Jair Bolsonaro - người khuyến khích cư dân quay trở lại làm việc. Tổng số ca tử vong trên 100.000 dân của Brazil cao gấp 11 lần so với Argentina và vẫn đang tăng nhanh.

Theo Bloomberg, hầu hết các nước đều tăng cường biện pháp chống dịch vào giữa tháng 3, khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tại thời điểm này, hàng chục quốc gia/khu vực đã có hơn 100 ca xác nhận nhiễm COVID-19.

Câu chuyện thành công của Đài Loan và New Zealand

Các quan chức y tế Đài Loan là những người đầu tiên manh nha biết đến đại dịch COVID-19 khi một số chuyên gia y tế Trung Quốc đưa ra cảnh báo trên mạng xã hội.

Đài Loan đã hành động nhanh chóng: đình chỉ các chuyến bay từ tâm dịch Vũ Hán, thành lập các trạm kiểm tra thân nhiệt ở sân bay, sử dụng một hệ thống ấn tượng để xét nghiệm trên diện rộng, kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân toàn diện và bắt buộc cách li tập trung.

Đài Loan bắt đầu xây dựng mạng lưới ứng phó khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh sau khi trải qua dịch SARS hồi năm 2003 với ít nhất 73 người chết và hàng trăm ca dương tính. 5 tháng trôi qua, Đài Loan chỉ báo cáo chưa đến 500 trường hợp dương tính với COVID-19 và chỉ 7 ca tử vong.

Tại sao hành động nhanh chóng là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai? - Ảnh 2.

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Công cụ Theo dõi Phản ứng Chính phủ trước đại dịch COVID-19 của Đại học Oxford, Trường Quản lí Nhà nước Blavatnik, Bloomberg; Việt hóa: Yên Khê

New Zealand là một trong các nước áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Lệnh phong tỏa tại đất nước châu Đại Dương này kéo dài trong 27 ngày và xét theo trung bình thì sớm hơn một tuần so với các nước ban bố biện pháp ngăn chặn dịch lỏng lẻo hơn.

Chính phủ New Zealand đã tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay từ Trung Quốc trước khi báo cáo trường hợp dương tính đầu tiên, sau đó mở rộng lệnh cấm sang Iran sau khi xác nhận ca bệnh đầu tiên.

Khi có 28 ca xác nhận nhiễm, Thủ tướng Jacinda Ardern đã đóng cửa biên giới đối với các cá nhân không phải công dân New Zealand hoặc thường trú nhân.

Trong tuần tiếp theo, bà Ardern đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu và phương tiện công cộng; cấm toàn bộ các cuộc tụ tập và du lịch nội địa; và yêu cầu người dân ở yên trong nhà. Ngay khi các nước nối đuôi nhau ban bố phong tỏa thì New Zealand đã dừng phong tỏa.

Tại sao hành động nhanh chóng là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai? - Ảnh 3.

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Công cụ Theo dõi Phản ứng Chính phủ trước đại dịch COVID-19 của Đại học Oxford, Trường Quản lí Nhà nước Blavatnik, Bloomberg; Việt hóa: Yên Khê

Mỹ

Ông Stephen Morrison - Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Ngiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington D.C), nhận định: "Các nước trên thế giới hành động rất khác nhau. Quá trình phục hồi hậu đại dịch cũng sẽ khá đa dạng, các nước sẽ kinh qua nhiều biến động khi số ca nhiễm tăng lên giảm xuống".

Theo Bloomberg, chính phủ các nước đang bắt đầu đàm phán thỏa thuận để tạo điều kiện cho người dân đi lại, tuy nhiên những nước vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao ắt sẽ bị gạt bỏ.

Trong khi Na Uy mở cửa biên giới cho tất cả nước láng giềng Bắc Âu trừ Thụy Điển, thì Italy - quốc gia vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn đầu của đại dịch, cũng đã "mở rộng vòng tay" với toàn bộ thành viên EU.

Dù vậy, một số nước vẫn chưa nhận được ưu đãi này, đáng chú ý nhất là Mỹ. Mỹ có thể sẽ khá chật vật trong việc thuyết phục các nước khác chào đón người dân nước mình.

Giáo sư Mark Dybul nói: "Nhiều khả năng châu Âu sẽ chào đón tất cả, ngoại trừ Mỹ".

Tại sao hành động nhanh chóng là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai? - Ảnh 4.

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Công cụ Theo dõi Phản ứng Chính phủ trước đại dịch COVID-19 của Đại học Oxford, Trường Quản lí Nhà nước Blavatnik, Bloomberg; Việt hóa: Yên Khê

Phản ứng của Mỹ trong đại dịch COVID-19 chậm và yếu hơn hầu hết các nước khác. Ngoại trừ lệnh cấm du khách Trung Quốc, sau là châu Âu nhập cảnh thì gần như cuộc chiến chống dịch ở Mỹ do một tay các chính quyền tiểu bang và địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, các bên lại bất đồng sâu sắc về mối nguy của COVID-19 hoặc tranh cãi về việc đánh đổi lệnh phong tỏa với thiệt hại kinh tế.

Mặc dù xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1, hầu hết các bang tại Mỹ phải chờ cho đến giữa tháng 3 mới hủy bỏ các sự kiện đông người hoặc đóng cửa trường học. Thậm chí sau đó, nhiều người dân vẫn bất chấp mà di chuyển qua lại giữa các bang.

Một số nước như Đức và Hàn Quốc đã kiểm soát được tình hình nhờ các chiến lược mang tính địa phương hơn như xét nghiệm qui mô lớn và kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân.

Tại sao hành động nhanh chóng là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai? - Ảnh 5.

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Công cụ Theo dõi Phản ứng Chính phủ trước đại dịch COVID-19 của Đại học Oxford, Trường Quản lí Nhà nước Blavatnik, Bloomberg; Việt hóa: Yên Khê

Trong khi đó, Mỹ lại chật vật đánh giá chính xác qui mô của dịch bệnh. Tỉ lệ xét nghiệm giữa các bang có sự chênh lệch và khi kit xét nghiệm được phân phát đến nơi thì đội ngũ nhân viên y tế lại phải đối mặt với tình trạng thiết hụt thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang, găng tay và áo phẫu thuật.

Các nước nới lỏng phong tỏa dù số ca nhiễm tiếp tục tăng như Mỹ nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai sớm hơn, buộc họ phải khẩn trương chuẩn bị hành động khi các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.