Loạt ổ dịch cũ báo số ca nhiễm mới tăng vọt, làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện?
Hôm 14/6, Trung Quốc đã báo cáo tổng số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ tháng 4, trong khi số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc cũng đang tăng lên, cho thấy đại dịch có thể bùng phát trở lại khi các nước dỡ bỏ phong tỏa.
Trong khi đó, một số nước gồm Ai Cập, Ukraine, Bắc Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ,...cũng ghi nhận tổng số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ ngày 12/6 vừa qua.
Tại Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở một số tiểu bang khi Tổng thống Donald Trump ra sức khuyến khích chính quyền địa phương mở cửa lại hoạt động kinh doanh dù có nhiều cảnh báo từ giới chức y tế, AP đưa tin.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, thế giới đang ghi nhận hơn 100.000 ca xác nhận nhiễm mới hàng ngày.
Kịch bản cũ lặp lại: Ổ dịch mới của Trung Quốc tiếp tục là một khu chợ
Gần đây nhất, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo thêm 57 ca xác nhận nhiễm mới trong vòng 24 giờ kể từ đêm 13/6. Đây là số liệu theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 4, trong đó bao gồm 36 ca nhiễm mới ở thủ đô Bắc Kinh.
Toàn bộ số trường hợp dương tính mới của Bắc Kinh đều liên quan đến chợ thực phẩm Tân Phát Địa (Xinfadi). Hãng tin China News Service cho biết chợ Xinfadi hiện đã đóng cửa, đồng thời có 27 cá nhân làm việc tại chợ cùng 9 người khác đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với khu chợ này.
Đáng chú ý, chợ Xinfadi đã trở thành ổ dịch mới nhất của thủ đô Bắc Kinh sau 50 ngày không ghi nhận ca xác nhận nhiễm mới nào. Trước tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng lệnh phong tỏa với 11 khu phố xung quanh chợ Xinfadi. Hàng rào bịt kín lối đi vào các khu chung cư và tài xế phải xuất trình giấy tờ để vào bên trong.
Nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo nguy hiểm và hạn chế người dân di chuyển đến Bắc Kinh, trong khi những ai trở về từ Bắc Kinh đều sẽ phải chịu cách li 14 ngày.
Ngày 14/6, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ra thông báo yêu cầu hãng China Southern Airlines đình chỉ các chuyến bay giữa Dhaka (Bangladesh) và Quảng Châu trong 4 tuần sau khi 17 hành khách trên một chuyến bay cùng chặng bay này cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 lần đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và cũng có liên quan đến một khu chợ thực phẩm. Sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, đến tháng 3 năm nay Bắc Kinh tuyên bố đã chiến thắng đại dịch và nới lỏng hầu hết lệnh hạn chế kinh doanh và du lịch.
Tuy nhiên, ổ dịch mới tại Bắc Kinh cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ hai của COVID-19 có nguy cơ xảy ra.
Các tụ điểm giải trí đêm - yếu tố có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Hàn Quốc
Ở diễn biến khác, AP đưa tin chính phủ Hàn Quốc đã báo cáo thêm 34 trường hợp xác nhận nhiễm mới, cho thấy số ca nhiễm đang có xu hướng tăng lên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết 30 trong tổng 34 ca nhiễm mới ghi nhận ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Khu vực này chiếm quá nửa dân số 51 triệu người của Hàn Quốc.
Theo AP, các trường hợp nhiễm mới đều có liên quan đến những cơ sở giải trí về đêm, nhà thờ, bán hàng tận nhà,...
Hồi đầu tháng 5, sau thời gian kiểm soát dịch thành công và dần đi đến nới lỏng các lệnh hạn chế thì Hàn Quốc lại ghi nhận thêm 17 ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến các quán bar ở Itaewon (Seoul).
Đến ngày 14/5, Hàn Quốc lại báo cáo thêm 29 ca nhiễm mới cũng liên quan tới các hộp đêm và quán bar ở Itaewon, khiến giới chức y tế phải báo động về tình trạng lây nhiễm thứ hai từ ổ dịch này.
Cũng tại châu Á, hệ thống bệnh viện tại Bangladesh đang từ chối tiếp nhận bệnh nhân, đẩy áp lực sang đội ngũ nhân viên y tế khi số ca nhiễm mới tại nước này tăng lên. Giới chuyên gia lo ngại quốc gia Đông Nam Á đông dân này có thể trở thành một điểm nóng toàn cầu mới.
Làn sóng lây nhiễm thứ hai không còn xa ở châu Âu?
Hôm 13/6, Bộ Y tế Ai Cập công bố thêm 1.677 trường hợp xác nhận nhiễm mới. Quốc gia đông dân nhất thế giới Arab cũng có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất với 1.484 ca tử vong trong tổng 42.980 ca xác nhận nhiễm bệnh.
Cùng ngày, Ukraine báo cáo thêm 753 ca xác nhận nhiễm mới, tăng gấp đôi so với số liệu hàng ngày kể từ đầu tháng 6 này. Các nhà chức trách tại đất nước Bắc Macedonia với chỉ 2 triệu dân cũng tuyên bố có thêm 196 ca nhiễm mới.
Hãng tin Daily Sabah dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Y tế Fahrettin Koca hôm 15/6 cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 1.592 trường hợp, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp có số ca nhiễm mới theo ngày trong chiều hướng đi lên.
Tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Koca được xem là một lời cảnh báo vì số ca nhiễm mới theo ngày của Thổ Nhĩ Kỳ đã có xu hướng giảm kể từ ngày 21/4. Trong hầu hết tháng 5, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo chưa đến 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Tuy nhiên, trong 5 ngày vừa qua, cơ quan này cho biết số ca xác nhận nhiễm mới có lúc tăng vọt 22% so với ngày hôm trước.
Sự gia tăng đột biến này xuất hiện cùng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ dốc sức bình thường hóa đời sống xã hội và hoạt động kinh tế sau khi dịch tạm lắng dịu. Bắt đầu từ ngày 1/6, chính quyền Ankara đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng đáng kể các lệnh hạn chế.
Qui định giới nghiêm vào cuối tuần và lệnh hạn chế di chuyển được dỡ bỏ, trong khi nhà hàng, trung tâm thương mại và phòng gym cũng được cho phép mở cửa trở lại.
Dấu hỏi chấm quanh tiến trình mở cửa kinh tế của Mỹ
Tại Mỹ, số trường hợp nhiễm mới tại bang Arizona đã tăng lên hơn 1.000 ca/ngày, trong khi vào thời điểm khi chính quyền bang dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào giữa tháng 5 thì số ca bệnh mới được công bố là chưa đến 400.
Thống đốc bang Arizona Doug Ducey không yêu cầu cư dân bang phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng dù các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo.
Các bang Utah và Oregon đã tạm dừng việc mở cửa nền kinh tế do số ca nhiễm mới tăng đột biến.
Tờ New York Times đưa tin, hai bang đông dân hàng đầu nước Mỹ là Texas và Florida tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến trong bối cảnh cả nước đã nỏi lỏng lệnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau.
Ở nơi khác, các chủ quán bar ở New Orleans đang chuẩn bị mở cửa trở lại. Các chủ nhà hàng tại San Francisco cũng đã khôi phục lại hoạt động kinh doanh ngoài trời từ ngày 12/6, trong khi chính quyền bang California đã cho phép các khách sạn, sở thú, bảo tàng và thủy cung hoạt động lại.
Ngoài ra, phong trào biểu tình đòi công lí cho cộng đồng người da màu sau cái chết của George Floyd, hiện đã kéo dài hơn hai tuần, cũng làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Mỹ.
Đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch với hơn 2,1 triệu ca xác nhận nhiễm và hơn 118.000 ca tử vong.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/