Bắc Kinh thêm gần 100 ca nhiễm, ‘rủi ro dịch lan rộng là rất cao’
Theo Bloomberg, sau 56 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, cuối tuần qua Bắc Kinh đã xác định ít nhất 79 người dương tính với COVID-19 sau khi tới chợ rau quả Tân Phát Địa (Xinfadi) lớn nhất thành phố.
Các viên chức chính phủ đang phải tỏa đi khắp các nẻo đường, gõ gửa từng khu dân cư để hỏi từng người dân xem họ có tới chợ Tân Phát Địa hoặc tiếp xúc với người từng tới chợ này gần đây hay không.
Ông Zhang Yuxi – Người quản lí chợ Tân Phát Địa cho biết virus SARS-CoV-2 đã được truy dấu tới một chiếc thớt dùng bởi người bán cá hồi nhập khẩu. Tuy nhiên các quan chức không cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc thực sự của ổ dịch này.
Người dân quận Tây Thành – nơi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên mới được phát hiện – đã xếp hàng tới tận đêm khuya tại một sân vận động trong ngày cuối tuần để đợi được lấy mẫu xét nghiệm.
Các ca dương tính hiện đã được phát hiện ở một khu chợ khác, hơn 20 khu dân cư trên khắp thành phố đã bị phong tỏa vào sáng thứ Hai (15/6).
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 không được tới trường trở lại sau ngày nghỉ cuối tuần và học sinh trung học phổ thông được khuyến khích tự học ở nhà. Một số doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, các khu dân cư thắt chặt an ninh và các bể bơi đều đóng cửa.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan phát biểu hôm 14/6: "Rủi ro virus lan rộng là rất cao. Các biện pháp quyết liệt, mạnh tay cần phải được thực hiện để ngăn dịch bùng phát".
Việc nhiều ca nhiễm mới đột ngột xuất hiện tại thành phố thủ đô với 20 triệu dân đang đe dọa hủy hoại thành tích chống dịch và bình thường hóa hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Ở các địa phương miền trung hoặc miền đông bắc có bùng phát dịch trước đây, Trung Quốc đối phó bằng các biện pháp phong tỏa hà khắc. Tuy nhiên với một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị như Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc bắt đầu tỏ ra do dự trong việc áp dụng những chính sách mạnh tay.
Tháng trước, các tuyến đường giao thông tới các tỉnh miền đông bắc đã nhanh chóng bị cắt đứt khi xuất hiện ca nhiễm mới. Tuy nhiên tính đến sáng 15/6, các chuyến bay và tàu hỏa nội địa vẫn được hoạt động tại Bắc Kinh.
Trong bối cảnh hàng chục nghìn xét nghiệm đang được tiến hành với các đối tượng có nguy cơ cao, số ca ghi nhận nhiễm nhiều khả năng sẽ nhanh chóng tăng lên và các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn sẽ sớm được áp dụng.
Bloomberg dẫn lời giáo sư Ben Cowling của Đại học Hong Kong nói: "Một khả năng là các ca nhiễm mới sẽ được xác định rải rác khắp thành phố trong những ngày tới, lệnh phong tỏa toàn Bắc Kinh sẽ được áp dụng trong vài tuần. Các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc có thể rất hiệu quả vì hệ thống cơ sở hạ tầng vừa ngăn cản người dân ra khỏi nhà, vừa giúp mang thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác tới".
Ông Wu Zunyou – Chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khuyên người dân không nên mua thực phẩm đông lạnh hay hàng nông sản nhập khẩu. Ông cho rằng virus gây dịch COVID-19 có thể sống trên bề mặt thức ăn đông lạnh tới 3 tháng và CDC đang "hết sức nghi ngờ" rằng thực phẩm nhiễm virus chính là nguồn gốc gây ra đợt bùng phát này.
Chợ Tân Phát Địa cung cấp khoảng 80% nông sản cho người dân Bắc Kinh đã phải đóng cửa từ ngày 13/6 để khử trùng. Khoảng 10.000 người làm việc và buôn bán ở đây đều sẽ phải xét nghiệm.
Bloomberg dẫn lời cô Cathy Liu, 26 tuổi làm việc trong ngành sở hữu trí tuệ: "Tôi sống khá xa khu chợ nhưng cũng cảm nhận được tâm lí sợ hãi. Nguồn gốc không rõ ràng của các ca bệnh mới càng khiến tình hình đáng sợ hơn. Chúng tôi không thể loại trừ khả năng một đợt bùng phát khổng lồ đang diễn ra tại Bắc Kinh".