Tài sản hỗ trợ marketing bên trong (Asset Marketing Support Inside) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Pinterest)
Tài sản hỗ trợ marketing bên trong (Asset Marketing Support Inside)
Khái niệm
Tài sản hỗ trợ marketing bên trong tiếng Anh gọi là Asset Marketing Support Inside.
Tài sản hỗ trợ marketing bên trong là tài sản mang tính nội bộ trong doanh nghiệp được sử dụng để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường.
Các tài sản hỗ trợ marketing bên trong doanh nghiệp
Lợi thế về chi phí: Lợi thế về chi phí có được thông qua việc khai thác công nghệ hiện đại, tận dụng triệt để nguồn lực, và tính hiệu quả kinh tế theo qui mô cũng có thể làm cho sản phẩm, dịch vụ có giá thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Trong những thị trường nhạy cảm về giá thì lợi thế về chi phí là tài sản marketing. Tuy nhiên, đối với những thị trường yếu tố giá ít quan trọng hơn thì lợi ích về chi phí lại không phải là tài sản marketing mà chỉ là yếu tố giúp doanh nghiệp có mức giá bán tốt hơn đối thủ cạnh tranh.
Hệ thống thông tin và tình báo marketing: Hệ thống thông tin và nghiên cứu marketing có hệ thống có thể là tài sản có giá trị nếu chúng giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Thông tin là một tài sản nhiều công ty muốn có nhưng nó chỉ trở thành tài sản marketing nếu chúng có khả năng giúp doanh nghiệp đưa ra được những quyết định thị trường sáng suốt và kịp thời hơn.
Việc sử dụng dữ liệu thông tin khách hàng được thu thập một cách có hệ thống hay theo từng thương vụ mua bán giúp doanh nghiệp phát triển những sản phẩm chào bán phù hợp với những đặc điểm tính cách và sở thích của khách hàng.
Khi hiểu biết về khách hàng tốt hơn đối thủ cạnh tranh, người quản trị marketing có thể khai thác được nguồn dữ liệu này như là một khả năng khác biệt để tạo ra những chiến lược marketing.
Cơ sở dữ liệu khách hàng hiện tại: Tài sản marketing của nhiều công ty có thể bao gồm cơ sở dữ liệu khách hàng hiện tại.
Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp luôn phải giải quyết các quan hệ có tính chất lặp lại, quan hệ với khách hàng, do vậy thông tin về các yếu tố then chốt làm hài lòng khách hàng có thể giúp cho doanh nghiệp tìm cơ hội cho sự phát triển trong tương lai.
Sự phát triển của ngành marketing trực tiếp gần đây cho thấy khách hàng tiềm năng nhất của doanh nghiệp đó chính là khách hàng hiện tại. Đặc biệt, khi đó xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể yên tâm về sự phát triển thị trường trong tương lai của mình đồng thời tạo ra rào cản gây khó khăn cho sự thâm nhập của đối thủ cạnh tranh.
Các kĩ năng mang tính kĩ thuật: Các loại và cấp độ công nghệ được công ty khai thác có thể là tài sản tương lai của doanh nghiệp. Tính ưu việt của công nghệ có thể hỗ trợ giảm chi phí hoặc hoàn thiện chất lượng sản phẩm.
- Kinh nghiệm sản xuất
- Bản quyền và bằng sáng chế
Nhượng quyền thương mại và cấp phép: Việc thương lượng về nhượng quyền thương mại hoặc cấp phép cho người khác sử dụng những sáng kiến hoặc tài nguyên đã được bảo vệ cũng được coi là tài sản marketing.
Đối tác: Các công ty ngày càng chú trọng tới các chiến lược marketing dựa vào sự hợp tác liên minh. Nhà quản trị marketing cần sử dụng các mối quan hệ với các đối tác để phát triển các chương trình marketing hợp tác, vì vậy, những mối quan hệ đối tác để được coi như là tài sản marketing.
Văn hóa doanh nghiệp: Một trong những nguồn lực khiến các thủ cạnh tranh khó bắt chước và có sự khác biệt lớn nhất đó là văn hóa doanh nghiệp. Nền tảng để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp là vấn đề rất phức tạp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)