Kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh (Perfect Strategic Plan) trong marketing là gì?
Hình minh họa (Nguồn: HRD)
Kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh (Perfect Strategic Plan)
Khái niệm
Kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh trong tiếng Anh gọi là Perfect Strategic Plan.
Kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh là kế hoạch chiến lược của tổ chức doanh nghiệp được hoàn thành với các nhiệm vụ, mục tiêu, các đơn vị kinh doanh chiến lược và các chiến lược tăng trưởng của nó được xác định theo từng giai đoạn.
Các thành phần của kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh
Kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh hay chiến lược kinh doanh tổng thể giống như cương lĩnh phát triển của doanh nghiệp trên thị trường trong dài hạn. Một kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh thường sẽ bao gồm các thành phần chính sau:
- Tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp
- Các nhiệm vụ và mục tiêu của doanh nghiệp
- Các đơn vị kinh doanh chiến lược và định hướng chiến lược tăng trưởng cho các đơn vị kinh doanh chiến lược và cho toàn doanh nghiệp.
- Phân bổ nguồn lực cho các đơn vị kinh doanh chiến lược
- Các nguyên tắc hoạt động và giá trị văn hoá cốt lõi mà doanh nghiệp theo đuổi trong quá trình kinh doanh.
Vai trò
Việc hoàn thiện kế hoạch chiến lược sẽ tạo điều kiện tiền đề để phát triển các kế hoạch marketing cho mỗi sản phẩm, dòng sản phẩm hoặc đơn vị kinh doanh của doanh nghiệp.
Kế hoạch marketing là một bộ phận phát triển tiếp theo của kế hoạch chiến lược trong đó cho phép lập kế hoạch chi tiết ở cấp độ cho sản phẩm cụ thể trên thị trường mục tiêu cụ thể.
Các kế hoạch marketing, mà mỗi kế hoạch xây dựng cho sản phẩm, thương hiệu nhằm vào một thị trường cụ thể sẽ được phát triển dựa trên định hướng và nguồn lực đã được phân bổ trong kế hoạch chiến lược.
Ví dụ, một công ty sản xuất hàng điện tử với kế hoạch chiến lược là phát triển thành công ty dẫn đầu trên thị trường hàng điện tử dân dụng sẽ phát triển các kế hoạch marketing cụ thể cho các thị trường sản phẩm điện tử khác nhau của họ.
Với một kế hoạch chiến lược đã hoàn chỉnh, mỗi khu vực quản trị sẽ biết chính xác doanh nghiệp sẽ phải đi đến đâu và dựa vào đó các nhà quản trị chức năng có thể phát triển các mục tiêu. chiến lược và chương trình quản trị cho từng chức năng phù hợp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)