Tai nạn hàng hải (Maritime Accident) là gì?
Tai nạn hàng hải (Maritime Accident)
Tai nạn hàng hải - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Maritime Accident.
Tai nạn hàng hải là bất cứ tai nạn hoặc sự cố nào gây thiệt hại đến tàu thuyền, những người trên tàu hoặc ảnh hưởng đến môi trường. (Theo Marine Accident and Incident Investigation Committee of Cyprus)
Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 qui định: "Tai nạn hàng hải là sự kiện liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển gây ra một trong những hậu quả sau: làm chết người, mất tích, bị thương nặng; làm cho tàu biển đâm va; hư hỏng nghiêm trọng đến cấu trúc tàu; làm cho tàu mất tích, chìm đắm, mắc cạn, mất khả năng điều động; làm hư hỏng kết cấu hạ tầng hàng hải hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tai nạn hàng hải không bao gồm những hành vi cố ý gây thiệt hại đối với con người, tàu biển, kết cấu hạ tầng hàng hải hoặc môi trường."
Phân loại mức độ tai nạn hàng hải
1. Tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn hàng hải gây ra một trong các thiệt hại dưới đây:
a) Làm chết hoặc mất tích người;
b) Làm tàu biển bị tổn thất toàn bộ;
c) Làm tràn ra môi trường từ 100 tấn dầu trở lên hoặc từ 50 tấn hoá chất độc hại trở lên;
d) Làm ngưng trệ giao thông trên luồng hàng hải từ 48 giờ trở lên.
2. Tai nạn hàng hải nghiêm trọng là tai nạn hàng hải không thuộc các trường hợp qui định ở trên và là một trong các trường hợp dưới đây:
a) Làm tàu biển bị cháy, nổ, mắc cạn từ 24 giờ trở lên, làm hư hỏng kết cấu của tàu ảnh hưởng đến khả năng đi biển của tàu;
b) Làm tràn ra môi trường dưới 100 tấn dầu hoặc dưới 50 tấn hoá chất độc hại;
c) Làm ngưng trệ giao thông trên luồng hàng hải từ 24 giờ đến dưới 48 giờ.
3. Tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng là sự cố hàng hải hoặc tai nạn hàng hải xảy ra trong các trường hợp không qui định ở trên.
Trách nhiệm của thuyền trưởng, chủ tàu, người quản lí, khai thác tàu và các tổ chức, cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải
1. Thuyền trưởng, chủ tàu, người quản lí, khai thác tàu và các tổ chức, cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm báo cáo tai nạn hàng hải cho Cảng vụ hàng hải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam nhanh chóng, chính xác theo qui định.
2. Thuyền trưởng của tàu biển liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm tổ chức cứu nạn nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả phù hợp với điều kiện an toàn của tàu.
3. Thuyền trưởng, thuyền viên của tàu biển liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm tổ chức bảo vệ hiện trường tai nạn và thiết bị ghi dữ liệu hành trình tại thời điểm xảy ra tai nạn hàng hải và cung cấp các chứng cứ liên quan đến tai nạn hàng hải cho cơ quan điều tra.
4. Thuyền trưởng, thuyền viên của tàu biển và các tổ chức, cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời cho cơ quan điều tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin cung cấp.
5. Đối với tai nạn hàng hải gây tổn thất về người cho thuyền viên thì thuyền trưởng, chủ tàu, người sử dụng lao động, ngoài nghĩa vụ báo cáo theo qui định, phải thông báo nhanh chóng, chính xác cho Cơ quan thanh tra lao động của địa phương nơi người sử dụng lao động có trụ sở chính. (Theo Thông tư Số: 34/2015/TT-BGTVT)