|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sự thiếu hụt (Shortage) là gì? Giải thích tình trạng thiếu hụt

16:48 | 13/02/2020
Chia sẻ
Sự thiếu hụt (tiếng Anh: Shortage) là trạng thái mà ở đó lượng cầu lớn hơn lượng cung tại mức giá thị trường.
Sự thiếu hụt (Shortage) là gì? Giải thích tình trạng thiếu hụt - Ảnh 1.

Hình minh họa

Sự thiếu hụt (Shortage)

Định nghĩa

Sự thiếu hụt trong tiếng Anh là Shortage.

Sự thiếu hụt, về mặt kinh tế, là trạng thái mà ở đó lượng cầu lớn hơn lượng cung tại mức giá thị trường.

Nói cách khác, khi giá trên thị trường nhỏ hơn mức giá cân bằng dẫn tới lượng cầu lớn hơn lượng cung, từ đó gây ra hiện tượng thiếu hụt.

Giải thích tình trạng thiếu hụt

- Trong một thị trường hoạt động bình thường, luôn có sự cân bằng giữa lượng cầu và lượng cung tại một mức giá được xác định bởi các lực lượng trên thị trường.

- Sự thiếu hụt là một tình huống trong đó cầu về một sản phẩm hoặc dịch vụ vượt quá nguồn cung sẵn có. Khi điều này xảy ra, thị trường được cho là trong tình trạng mất cân bằng.

- Thông thường, tình trạng này chỉ tạm thời diễn ra vì sản phẩm sẽ được bổ sung và thị trường có thể lấy lại trạng thái cân bằng. Thiếu hụt không nên nhầm lẫn với "khan hiếm", trong đó thiếu hụt thường mang tính tạm thời và có thể được bổ sung còn khan hiếm mang tính hệ thống và không thể bổ sung.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu hụt

- Có ba nguyên nhân chính của sự thiếu hụt: cầu tăng (đường cầu dịch chuyển sang phải);  cung giảm (đường cung dịch chuyển sang trái) hoặc do sự can thiệp của Chính phủ.

- Các nguyên nhân khác có thể kế đến bao gồm việc tính toán sai nhu cầu dẫn đến không kịp giao hàng, hoặc do các chính sách phân phối, ấn định giá của Chính phủ.

Thiên tai tàn phá cảnh quan vật lí của một khu vực cũng có thể gây ra sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm và nhà ở, từ đó dẫn đến việc giá cả của những hàng hóa này tăng cao. Xu hướng kinh doanh và tiêu dùng toàn cầu cũng có thể tạo ra sự thiếu hụt hàng hóa và lao động.

Liên hệ thực tiễn

- Thiếu hụt là hiện tượng khá phổ biến trong các nền kinh tế chỉ huy. Đây là nơi Chính phủ sẽ không cho phép thị trường tự do đưa ra mức giá của hàng hóa, dịch vụ dựa trên các qui luật cung cầu.

- Ví dụ như trong trường hợp Chính phủ cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí như một phần của chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia, người tiêu dùng có thể gặp phải tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này là kết quả của việc nhiều người sẽ đi khám sức khỏe hơn vì nó được cung cấp miễn phí.

(Tài liệu tham khảo: Investopedia)

Thanh Tùng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.