Sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp là gì? Ý nghĩa
Sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp
Khái niệm
Sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp tạm dịch sang tiếng Anh là Flexible use of agricultural land.
Sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp nghĩa là có thể chuyển đổi việc sử dụng đất vào nhiều mục đích sản xuất khác nhau phù hợp với điều kiện và cơ hội sản xuất khác nhau.
Việc chuyển đổi bao gồm:
- Đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi;
- Sử dụng đất dựa trên ứng dụng công nghệ sản xuất thích hợp;
- Sử dụng đất do kết quả của đầu tư các yếu tố đầu vào ở các mức khác nhau.
Ý nghĩa quan trọng
Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, sản xuất nông nghiệp tập thể sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khi đó hộ gia đình được quyền tự quyết nhiều hơn đối với các hoạt động sản xuất của họ. Trong nền kinh tế thị trường việc sử dụng đất một cách linh hoạt có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì:
- Việc sử dụng đất linh hoạt cho phép nông dân có thể ứng xử với các tín hiệu thị trường như là giá cả các yếu tố đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào có ảnh hưởng trực tiếp đến mức đầu tư và chi phí sản xuất, trong khi đó giá đầu ra lại có ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và mức độ thu hồi vốn đầu tư.
- Bởi vì giá cả luôn luôn biến động nên việc linh hoạt trong sử dụng đất sẽ giúp cho nông dân tận dụng được các cơ hội của thị trường đồng thời giảm thiểu rủi ro do thay đổi giá cả.
- Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu thời tiết do đó mức độ rủi ro cao. Trong điều kiện như vậy, sản xuất không linh hoạt và cứng nhắc sẽ không cho phép nông dân thích ứng với những hoàn cảnh không bình thường.
Nông dân sẽ có lợi nhiều khi sử dụng đất linh hoạt và sẽ giúp họ giảm thiểu rủi ro, đồng thời tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất và do đó tăng thu nhập của họ.
Các yếu tố ảnh hưởng sự linh hoạt
Việc sử dụng linh hoạt đất đai chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như:
- Luật và những qui định của Chính phủ về sử dụng đất đai;
- Nhận thức của người dân về các cơ hội và khả năng sử dụng đất;
- Khả năng ứng xử của người dân với các cơ hội thị trường;
- Khả năng tiếp cận tài chính và các nguồn lực khác để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
(Tài liệu tham khảo: Phát triển nông nghiệp và chính sách đất đai ở Việt Nam: Tóm tắt chính sách, Sally P. Marsh, T. Gordon MacAulay, Phạm Văn Hùng, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Ôx-trây-lia, 2007)