|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sổ tạm quản (ATA Carnet) là gì? Sổ tạm quản trên thế giới và Việt Nam

13:34 | 25/09/2019
Chia sẻ
Sổ tạm quản (tiếng Anh: ATA Carnet) là chứng từ tạm quản sử dụng cho hàng hoá tạm quản ngoại trừ phương tiện vận tải.
ATA-Carnet-Logo

Hình minh họa (Nguồn: uscib.org)

Sổ tạm quản

Khái niệm

Sổ tạm quản trong tiếng Anh là Carnet hay ATA Carnet (phát âm: kar-nay).

Sổ tạm quản (ATA Carnet) là chứng từ tạm quản sử dụng cho hàng hoá tạm quản ngoại trừ phương tiện vận tải. (Theo Điều 1 Phụ lục A Công ước Tạm quản Istanbul – 1990)

Khái niệm liên quan

"Chứng từ tạm quản" là chứng từ hải quan quốc tế được chấp nhận như một loại tờ khai hải quan cho phép nhận diện hàng hoá (bao gồm cả phương tiện vận tải) và dùng để bảo đảm thanh toán quốc tế các khoản thuế nhập khẩu và thuế khác.

Sổ tạm quản trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới

Sổ tạm quản ATA là một tài liệu hải quan quốc tế và xuất nhập khẩu tạm thời. Nó được sử dụng để làm thủ tục hải quan tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không phải trả thuế và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sẽ được tái xuất trong vòng 12 tháng.

Tại Mỹ, có hai loại sổ tạm quản được phát hành: ATA và TECRO/AIT. Sổ tạm quản TECRO/AIT được sử dụng để nhập khẩu tạm thời hàng hóa tại Đài Loan (nơi chỉ chấp nhận sổ tạm quản TECRO/AIT). Sổ tạm quản ATA được phát hành tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau là thành viên của hệ thống tạm quản.

Sổ tạm quản có giá trị lên đến 1 năm kể từ ngày phát hành (các triển lãm và hội chợ thì có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày phát hành). Đối với các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Singapore thì có ngoại lệ về thời hạn hiệu lực của sổ tạm quản.

(Tài liệu tham khảo: Boomerang Carnets)

Tại Việt Nam

Ngày 02/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc đồng ý gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Công ước Istanbul; xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Công ước Istanbul trình Chính phủ. 

Theo VCCI, Chính phủ đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện và môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, trong đó có việc gia nhập Công ước Istanbul và triển khai cấp sổ tạm quản ATA cho hàng hóa.

Cụ thể, sổ tạm quản ATA loại bỏ thanh toán thuế và các khoản thuế, đồng thời tránh việc bắt buộc nộp tiền đặt cọc hoặc bảo lãnh dưới một số hình thức khi đưa hàng vào nước tạm nhập. doanh nghiệp sử dụng sổ tạm quản ATA sẽ không phải kê khai tờ khai hải quan tại điểm kiểm tra, mà chỉ cần xuất trình hàng hóa đối với mỗi lần thông quan.

Sổ tạm quản ATA cũng cho phép sử dụng một chứng từ duy nhất với tất cả các giao dịch hải quan. Việc áp dụng mô hình chuẩn các chứng từ tạm nhập như chứng từ hải quan quốc tế với sự bảo đảm trên toàn thế giới sẽ góp phần thuận lợi hóa thủ tục tạm nhập tái xuất, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển thương mại toàn cầu.

Không chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi, việc áp dụng cơ chế tạm quản cũng giúp hoạt động thông quan của các cơ quan hải quan thuận lợi hơn rất nhiều.Từ trước tới nay, các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập hàng hóa, thiết bị, máy móc đều phải thực hiện thủ tục theo qui trình mở tờ khai hải quan, đóng thuế, sau khi tái xuất sẽ phải làm thủ tục để được hoàn thuế theo qui định.

Sau khi tham gia Công ước Istanbul, các doanh nghiệp sẽ chỉ phải xin cấp sổ tạm quản ATA một lần tại quốc gia chủ hàng hóa cho tất cả các hoạt động tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập hàng hóa qua nhiều quốc gia thành viên trong suốt thời gian là 1 năm.

Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hải quan, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong việc xuất – nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án xây dựng sẽ thấy rõ lợi ích từ sổ tạm quản.

(Tài liệu tham khảo: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

TH