Shark Bình 'xin' nhà sáng lập dự án 'Tối nay ăn gì' thay đổi mô hình, cá 2,5 tỉ đồng rằng cô không thể thành công
Lê Thị Thùy Linh, người sáng lập và điều hành công ty "Tối nay ăn gì" xuất hiện trên tập 6 của Shark Tank Việt Nam vào tối 28/8 để gọi 2,5 tỉ đồng cho 1% cổ phần của công ty (tương đương mức định giá công ty là 250 tỉ đồng).
Sự kết hợp giữa mô hình công nghệ và chế biến thực phẩm
Số vốn Linh muốn huy động tối đa là 20%, và cô tặng kèm một voucher miễn phí trọn đời cho nhà đầu tư.
Sứ mệnh của "Tối nay ăn gì", theo Linh, là giúp phụ nữ hiện đại bảo đảm các bữa ăn của gia đình mà vẫn hoàn thành tốt công việc ngoài xã hội. Vốn điều lệ của công ty là 100 tỉ đồng, và nhóm sáng lập đã góp 19 tỉ đồng.
Nhà sáng lập "Tối nay ăn gì" thổ lộ ước mơ của cô là thay đổi toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam. Theo cô, bằng cách giúp nông dân tiêu thụ nông sản, cô sẽ đảm bảo cuộc sống của họ. Và với vị thế ấy, cô có thể yêu cầu họ sản xuất theo quy trình an toàn (như dùng phân hữu cơ).
Mô hình kinh doanh của "Sáng nay ăn gì" bao gồm 5 ứng dụng (app) trên điện thoại và một trang web.
Khi người mua muốn đặt hàng, họ mở app để chọn món, đồng thời điền các thông tin chi tiết về bản thân và người thân (như tuổi, cân nặng, chiều cao, tình trạng sức khỏe, các loại bệnh) để app tư vấn những thực phẩm phù hợp, cũng như liều lượng với mỗi loại.
Lê Thị Thùy Linh, người đồng sáng lập dự án "Tối nay ăn gì", trong tập 6 của Shark Tank Việt Nam vào tối 28/8. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Với hệ thống app và web, công ty sẽ gom các đơn hàng thực phẩm rồi đưa tới hai nhà máy chế biến. Người mua phải đặt hàng từ 8h tối tới 10h sáng hôm sau. Sau khi sơ chế thực phẩm ở nhà máy, công ty vận chuyển chúng tới những điểm giao hàng.
Công ty có một app riêng để theo dõi mọi khách hàng di chuyển về điểm giao hàng. Khi khách tới nơi, họ chỉ cần đọc 4 số cuối của số điện thoại, hoặc đưa mã đơn hàng hay mã QR để nhận hàng ngay.
Nếu người mua muốn nhận hàng tại nhà, công ty chỉ giao trong khoảng thời gian từ 16h tới 21h. Trong trường hợp khách không nhận hàng, công ty sẽ lưu kho trong tối đa 72 tiếng. Nếu khách không nhận hàng sau 72 giờ, công ty sẽ đưa thực phẩm tới các bếp ăn của bệnh viện, trại trẻ mồ côi để làm từ thiện.
Mới chỉ thử nghiệm một tháng, doanh số của "Tối nay ăn gì" đã đạt 700 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó công ty tạm dừng hoạt động để nâng cấp và hoàn thiện các app. Linh giải thích rằng, nếu cứ chạy theo các đơn hàng, cô sẽ không có thời gian để hoàn thiện app.
Ý kiến của các nhà đầu tư
Ông Nguyễn Hòa Bình, nhà đầu tư mới xuất hiện lần đầu tiên trong mùa 3, nhận định nhà sáng lập "Tối nay ăn gì" đang định giá quá cao và hỏi Linh về lí do khiến cô định giá công ty tới 250 tỉ đồng.
"Chúng tôi là một công ty công nghệ và thực phẩm là nhu yếu phẩm", Linh nêu lí do.
Nhà sáng lập nói rằng, với mỗi đơn hàng trị giá 100.000 đồng, cô chỉ cần chinh phục 2 triệu hộ gia đình để đạt mức doanh thu khổng lồ.
"Tôi dùng phương pháp định giá nhanh để tính giá trị doanh nghiệp", Linh nhấn mạnh, rồi nói thêm rằng cô kì vọng công ty sẽ hòa vốn sau 9 tháng, và doanh số năm sẽ đạt 400 tỉ đồng vào cuối năm thứ hai.
Quyết định không đầu tư vì Linh đang theo đuổi một "mô hình vô nghĩa", ông Bình nhận xét rằng tư duy kinh doanh của Linh còn rất "non và xanh". Tuy nhiên, ông cũng gợi ý cho cô một mô hình thực tế hơn là "bếp ảo".
"Các bếp ảo sẽ phân bố ở khắp nơi trong thành phố để phục vụ khách hàng. Công ty chỉ chế biến thực phẩm và sử dụng đội ngũ giao hàng để đưa thực phẩm tới người mua", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTech, nhận định rằng mức định giá của "Tối nay ăn gì" là con số phi lí. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Ưu thế cạnh tranh của "Tối nay ăn gì" so với các cơ sở cung cấp thực phẩm sạch, theo Linh, là việc app thu thập thông tin chi tiết về khách hàng và người thân của họ. Dữ liệu đó là vũ khí lợi hại để công ty phục vụ khách hàng chu đáo hơn.
Về tính an toàn của thực phẩm, hiện tại công ty dựa hoàn toàn vào những đối tác. Linh khẳng định công ty đã hợp tác với một công ty bảo hiểm để bồi thường cho người mua nếu rủi ro liên quan tới thực phẩm phát sinh.
Nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên nhận xét mô hình của "Tối nay ăn gì" sẽ khó cạnh tranh với các siêu thị - nơi người dân có thể mua những món chế biến sẵn. Ngoài ra, khi mua hàng ở siêu thị, khách hàng cũng yên tâm hơn vì họ có thể "bắt đền" siêu thị nếu rủi ro xảy ra.
Đáp lại, Linh nói thực phẩm chế biến sẵn trong các siêu thị rất "nghèo nàn", với phần lớn sản phẩm là lẩu.
Không đồng ý với quan điểm của Linh, nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng nói khá nhiều công ty cung cấp thực phẩm sạch cũng đang vận hành mô hình giống như công ty của Linh.
"Vì thế, công ty cần nghiên cứu lại thị trường", ông Dũng khuyên.
Giám đốc "Tối nay ăn gì" lập luận rằng những đối thủ của cô chỉ có app đặt hàng, chứ không có app theo dõi vị trí của người mua, nên họ sẽ không thể giao hàng nhanh như công ty của cô.
Ông Bình phân tích rằng mô hình của "Tối nay ăn gì" không mới, chưa chín muồi và "chưa trúng long mạch". Giá trị của công ty, theo ông, là một con số không tưởng.
"Đừng tự dối lòng mình nhé. Bản thân em và các cộng sự của em cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào mô hình kinh doanh của mình đâu", ông Bình khẳng định.
Nhà đồng sáng lập dự án "Tối nay ăn gì" đồng ý đổi 36% cổ phần để lấy 2,5 tỉ đồng của doanh nhân Nguyễn Thanh Việt. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Khác với ông Bình, nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng công nhận ý tưởng của Linh khá thực tế, nhưng cô chưa thể khiến mọi người cảm nhận công ty là một mô hình công nghệ. Mọi lập luận của Linh mâu thuẫn với nhau.
"Em vẫn chưa phân biệt em là nền tảng công nghệ hay là một doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Lợi thế cạnh tranh của em không tồn tại", ông Dũng nói.
Nhận định rằng mô hình của "Tối nay ăn gì" bộc lộ nhiều nhược điểm, bà Đỗ Thị Kim Liên và ông Phạm Thanh Hưng từ chối rót tiền.
Shark Việt đưa ra đề nghị bất ngờ
Chủ tịch tập đoàn Intracom, ông Nguyễn Thanh Việt, cho rằng ý tưởng của Linh vẫn có cơ hội nên đề nghị đầu tư 2,5 tỉ đồng để lấy 36% cổ phần (tăng gấp 36 lần so với mục tiêu của Linh). Sau khi hội ý với người đồng sáng lập ở hậu trường, Linh đồng ý đề xuất của ông Việt.
Mặc dù thương vụ đã chốt, ông Bình vẫn khuyên Linh thay đổi mô hình kinh doanh, bởi ông tin "Tối nay ăn gì" sẽ không thể thành công với mô hình hiện tại.
"Anh nói điều này vì tiếc rẻ 19 tỉ đồng vốn điều lệ mà nhóm sáng lập đã đón gvà 2,5 tỉ đồng mà shark Việt sắp đóng. Anh xin em, đừng làm mô hình này nữa, bởi vì em sẽ mất tiền", ông Bình thổ lộ.
Thậm chí ông Bình còn cá cược với Linh rằng, ông sẽ trao cho cô 2,5 tỉ đồng nếu cô thành công với mô hình mà cô đang theo đuổi.
"Tiêu chí thành công rất rõ ràng: Doanh số đạt 400 tỉ vào cuối năm sau và hòa vốn sau 9 tháng", ông Hưng nói.