Kĩ sư công nghệ đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn 1 triệu USD để trả lương cho nhân viên
Biến camera thường thành công cụ thông minh
EyeQ Tech là công ty trí tuệ nhân tạo chuyên về nhận dạng mặt người, hành động, sản phẩm. Công nghệ Visua AI của EyeQ Tech biến camera bình thường thành camera thông minh để ghi lại nét mặt, mong muốn của khách hàng cho những doanh nghiệp cần dùng trí tuệ nhân tạo để tối ưu mô hình kinh doanh.
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam vào tối 21/8, Lê Mai Tùng – người đồng sáng lập EyeQ Tech - gọi 1 triệu USD cho 3,3% cổ phần hoặc 2 triệu USD cho 6,6% cổ phần. Anh lý giải con số gọi vốn dựa trên doanh thu doanh nghiệp có thể đạt trong một năm tới.
Lê Mai Tùng – người đồng sáng lập EyeQ Tech trên Shark Tank Việt Nam vào tối 21/8. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Nhà sáng lập cho hay, công ty ra đời từ tháng 10/2017. Trong 2 năm đầu, mặc dù công nghệ còn sơ khai nhưng đã bán được sản phẩm. Doanh thu năm 2018 đạt 1,5 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp lên đến 90%.
"EyeQ Tech là công ty đầu tiên có data (dữ liệu) bán lẻ và ngân hàng nhiều nhất Việt Nam với hai khách hàng lớn là Unilever và Vinpearl ", Tùng tuyên bố. Anh muốn gọi vốn 1 triệu USD để trả lương cho đội ngũ kỹ sư công nghệ và nhân viên kinh doanh.
Định giá "trên trời"
Chủ tịch Egroup đánh giá doanh thu EyeQ Tech lỏng lẻo nhưng gọi vốn "trên trời". Ông cho rằng, dự án có tính ứng dụng cao nhưng đã có nhiều đối thủ thực hiện trước. Quan điểm của ông là, với dự án công nghệ, doanh nghiệp đi trước luôn có lợi thế về người dùng. Khi tệp người dùng đủ lớn thì người đi sau không thể theo.
"Nhưng người dùng của các bạn mới chỉ bắt đầu với một vài đơn vị. Định giá của những công ty như vậy chỉ khoảng 1 triệu USD. Công ty của bạn ra mắt thị trường hơn một năm mà doanh thu mới 1,5 tỉ đồng thì không thể định giá 33 triệu USD. Mức đó quá xa so với hình dung của nhà đầu tư", ông Thủy bày tỏ ý kiến.
Dàn "cá mập" dùng thử công nghệ nhận dạng của EyeQ Tech. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
"Cá mập" công nghệ Nguyễn Mạnh Dũng từ chối đầu tư vì không thể đáp ứng kỳ vọng của nhà sáng lập.
"Công nghệ không thể thương mại hóa chỉ là "công nghệ đắp chiếu. Về cơ bản, trí tuệ nhân tạo AI chỉ giỏi ở một số lĩnh vực mà con người đào tạo nó. Bạn đang làm rất nhiều lĩnh vực, nên sẽ phân tán và chỉ thông minh vừa phải thì rất khó ứng dụng", ông Dũng nói thêm.
Thương vụ khép lại khi các nhà đầu tư còn lại là Đỗ Thị Kim Liên, Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Thanh Việt lần lượt từ chối.
Chia sẻ sau phần thuyết trình, Mai Tùng tự tin về sản phẩm khi hoàn thành và qua giai đoạn khó khăn thì giai đoạn sau sẽ phát triển khá thuận lợi.