Sắp khan hiếm giấy vệ sinh vì siêu tàu container chôn chân ở Suez?
Suzano, nhà sản xuất bột gỗ lớn nhất thế giới, vừa lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm container vận chuyển trên toàn cầu có thể sẽ siết chặt nguồn cung hàng hóa và khiến công ty có trụ sở tại Brazil này trễ đơn hàng.
Chia sẻ với Bloomberg, CEO Walter Schalka của Suzano cho biết: "Trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp 'khát' tàu chở hàng, tình trạng khan hiếm container sẽ bắt đầu lan rộng và đe dọa làm chậm trễ các lô hàng của chúng tôi".
Ông Shalka còn bày tỏ lo ngại vấn đề chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. Khi chuỗi cung ứng bột giấy bị gián đoạn, nguồn cung giấy vệ sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu các nhà sản xuất không có đủ hàng tồn kho. Bột gỗ chính là nguyên liệu quan trọng để sản xuất giấy vệ sinh.
Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng trên khắp thế giới điên cuồng tích trữ giấy vệ sinh. Khi đó, hàng loạt nền tảng thương mại lớn như Amazon cũng phải đưa ra thông báo nhằm kiềm chế cơn khát giấy vệ sinh của khách hàng.
Siêu tàu chở hàng Ever Given trọng tải 220.000 tấn, dài 400 m với sức chứa 20.000 container, bị mắc cạn gần đầu phía Nam của kênh đào Suez từ tối ngày 23/3.
Đến nay, siêu tàu này vẫn chặn hoàn toàn lối đi của Suez - tuyến đường thủy huyết mạch diễn ra khoảng 20% hoạt động thương mại bằng đường biển của thế giới.
Các tàu kéo và tàu nạo vét đang cật lực làm việc để khơi thông kênh đào Suez. Tuy nhiên, CEO của công ty cứu hộ Boskalis (Hà Lan) cảnh báo cuộc giải cứu có thể mất nhiều tuần.
"Theo thông tin chúng tôi có được từ cơ quan quản lý kênh đào Suez, tàu Ever Given đã được trục vớt một phần... Tàu thuyền sẽ sớm lưu thông trở lại khi siêu tàu container này được kéo đến vị trí khác", đại lý vận tải GAC cho biết.
Theo New York Times, nếu các nhà chức trách Ai Cập có thể giải phóng Ever Given trong vòng hai đến ba ngày tới, vụ mắc cạn có thể chỉ là "vấn đề nhỏ đối với ngành vận tải biển" vì thông thường, các công ty thường cho lịch trình dơi ra vài ngày phòng nguy cơ bị chậm trễ.
Tuy nhiên, sự cố tại kênh đào Suez là bằng chứng cho thấy hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu tồn tại rất nhiều rủi ro, trong đó khan hiếm nguồn cung container là một ví dụ.
JPMorgan Chase cảnh báo: "Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại kênh đào Suez có thể tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo giá hàng hóa tăng cao do nhu cầu vốn dĩ đã bị dồn nén trong đại dịch".