Sản lượng tương đương là gì? Công thức tính
Sản lượng tương đương
Khái niệm
Sản lượng tương đương được hiểu là sản lượng đáng lẽ được sản xuất ra trong kì nếu tất cả mọi kết quả đạt được của phân xưởng đều là sản phẩm hoàn thành của phân xưởng đó.
Công thức
Công thức chung để xác định sản lượng tương đương cho sản phẩm đang chế dở như sau:
Sản lượng tương đương = Sản lượng sản xuất (x) % hoàn thành công việc
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp đang có 100 sản phẩm dở dang vào cuối kì với mức độ hoàn thành là 80% công việc thì số sản lượng tương đương đã hoàn thành là 80 sản phẩm.
Vì mỗi loại chi phí đã tiêu hao cho sản phẩm dở dang với mức độ không như nhau nên khi tính sản lượng tương đương, người ta cần tính đối với từng khoản mục phí cụ thể, đặc biệt là quan tâm đến chi phí vật liệu trực tiếp đưa ngay từ đầu quá trình sản xuất, đưa liên tục hay có những điểm phát sinh nhất định trong qui trình công nghệ.
Trong ví dụ trên, nếu vật liệu đưa ngay từ đầu quá trình sản xuất thì sản lượng tương đương cho từng khoản mục phí như sau:
- Sản lượng tương đương đối với chi phí vật liệu: 100 sản phẩm x100% = 100 sản phẩm
- Sản lượng tương đương đối với chi phí nhân công: 100 sản phẩm x80% = 80 sản phẩm
- Sản lượng tương đương đối với chi phí sản xuất chung: 100 sản phẩm x80% = 80 sản phẩm
Tuy nhiên, nếu vật liệu đưa liên tục vào quá trình sản xuất như đối với chi phí chế biến thì sản lượng tương đương đối với cả ba loại phí đều là 80 sản phẩm.
Phương pháp tính
Xác định sản lượng tương đương còn quan tâm đến vấn đề: dòng chi phí có gắn liền với dòng vật chất của quá trình sản xuất hay không. Có hai phương pháp tính sản lượng tương đương xét theo khía cạnh này: phương pháp bình quân gia quyền và phương pháp nhập trước - xuất trước.
- Theo phương pháp bình quân gia quyền, sản lượng tương đương của một phân xưởng chỉ xét đến số lượng sản phẩmdở dang cuối kì khi qui đổi. Số lượng sản phẩm dở dang đầu kì coinhư đã hoàn thành trong kì sản xuất theo dòng vật chất của quá trình sản xuất.
- Theo phương pháp nhập trước - xuất trước, thực chất của phương pháp này là sản phẩm dở dang đầu kì sẽ tiếp tục chế biến và sẽ hoàn thành trước nếu không có những sai hỏng về mặt kĩ thuật; những sản phẩm mới bắt đầu sản xuất trong kì sẽ hoàn thành sau và có thể là những sản phẩm dở dang còn lại cuối kì.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kế toán Quản trị, Trung tâm Đào tạo trực tuyến, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)