Rủi ro đặt món rồi không nhận
Trong 2 ngày đầu tháng 10, thị trường Hà Nội liên tiếp đón nhận 2 "tân binh" ở mảng giao đồ ăn trực tuyến là GrabFood và Lalamove. Hai ứng dụng (app) mới này được cho là sẽ khá vất vả để cạnh tranh với 2 thương hiệu lớn đã có mặt khá lâu ở Hà Nội là Delivery Now (tức Foody) và Vietnammm.
Miếng bánh béo bở
Ngoài ra, Go-Viet (của nhà đầu tư Go-Jek Indonesia) - đối thủ trực tiếp của Grab ở mảng đặt xe - cũng đã lên kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, hàng loạt ứng dụng gọi món đã làm mưa làm gió và cạnh tranh quyết liệt ở TP HCM khoảng 1 năm trở lại đây, tạo nên thói quen tiêu dùng mới cho người dân thành thị, đặc biệt là giới trẻ.
Dẫn số liệu dự báo cho thấy đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 50 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến, ông Philippe Rambaud - Trưởng Bộ phận Phát triển thị trường Hà Nội của Lalamove - nhận định đây là thị trường béo bở với các hãng cung cấp dịch vụ giao nhận tức thời, trong đó có đặt món trực tuyến giá trị khoảng 33 triệu USD.
Bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam, cho hay riêng khu vực Đông Nam Á, GrabFood đã mở rộng từ 2 lên 6 quốc gia chỉ trong quý II/2018, tổng doanh thu tăng gấp 9 lần trong 12 tháng qua. Việc GrabFood được tích hợp sẵn trên nền tảng ứng dụng gọi xe Grab và thông qua mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp không chỉ cung cấp món ăn một cách tiện lợi mà còn giúp các đối tác tài xế của Grab có thể tăng thêm thu nhập.
Tất nhiên, thị trường màu mỡ không dành riêng cho một thương hiệu nào. Mỗi ứng dụng đều phải có chiến lược giành thị phần thông qua hàng loạt khuyến mãi, ưu đãi cho người dùng và đối tác. GrabFood khi vừa phủ sóng tại 5 quận nội thành TP HCM đã nhanh chóng triển khai chương trình Happy Snack Time (Giờ ăn hàng) giảm 50% giá trị đơn hàng từ 14-17 giờ các ngày thứ ba, tư, năm, sáu. Đến nay, GrabFood vẫn duy trì mã ưu đãi giảm 50% đơn hàng cho khách hàng sử dụng dịch vụ lần đầu.
Delivery Now cũng không thiếu mã giảm giá cho hầu hết các món ăn. Chưa kể, hãng này còn hỗ trợ nhiều dịch vụ thiết thực như đặt bàn, giúp việc, giặt ủi, mua thuốc... để kéo khách hàng. Lalamove giao hàng chỉ với chi phí 5.000 đồng và tài xế thu/mua hộ đơn hàng lên đến 2 triệu đồng. Hay LaLa: Food Delivery cũng liên tục tung ra các mã giảm giá 40%-50% cho khách hàng cũ lẫn mới, đồng thời ưu đãi cho người dùng thanh toán bằng ví điện tử, hay cam kết đặt món, giao hàng chỉ trong vòng 30 phút. Vài doanh nghiệp còn chịu lỗ để giữ chỗ đứng.
Một “shipper” nhận thức ăn trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Không dễ nuốt
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường gọi món trực tuyến, các hãng phải rất chật vật để tìm kiếm và níu giữ được khách hàng. Đặc biệt, còn phải kiểm soát được các chiêu trò chơi xấu của đối thủ.
Giám đốc một hãng giao đồ ăn nổi tiếng từng chia sẻ đã ghi nhận hiện tượng tài xế của hãng liên tục nhận đơn giao đồ ăn nhưng sau khi mua hàng và mang đến địa chỉ giao nhận thì không liên lạc được với khách. Phần chi phí mua đồ ăn, hãng phải chịu trách nhiệm hoàn lại cho tài xế. "Không loại trừ đối thủ cài người vào làm tài xế của hãng rồi tự động hủy đơn của khách, giao chậm, phục vụ thiếu tận tình... khiến khách quay lưng" - vị này nhận định.
Thực tế cho thấy rủi ro của đặt món trực tuyến lớn hơn nhiều so với dịch vụ giao hàng thông thường. Bởi hàng hóa bình thường nếu khách không nhận, hãng có thể hoàn trả và chủ hàng mất phí "ship". Trong khi với món ăn, nếu khách hàng không nhận thì bên giao hàng coi như "mất trắng" vì không thể đổi trả được.
Do đó, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, ở lĩnh vực gọi món chỉ có thương hiệu nào đủ mạnh mới trụ được. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại được hưởng lợi hơn cả khi ngày càng có nhiều ứng dụng gọi món ra đời và cạnh tranh quyết liệt với nhau bằng chất lượng dịch vụ, ưu đãi, giảm giá...
Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng, cho rằng dịch vụ giao nhận nói chung đóng vai trò không thể thiếu đối với bất cứ mô hình thương mại điện tử nào. Vì vậy, khi mua sắm trực tuyến phát triển mạnh, dịch vụ giao hàng nhanh sẽ là xu hướng trong thời gian tới, buộc các doanh nghiệp phải chạy đua bằng việc áp dụng nhiều công nghệ, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thời gian giao hàng. Tâm lý của người tiêu dùng càng lúc càng muốn nhận hàng nhanh nên bên nào "phủ sóng" được lực lượng giao hàng đông đảo, nhanh chóng, bên đó sẽ thắng.
Tuy vậy, thực tế, thị trường giao nhận đồ ăn của Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng bởi số người sử dụng chưa thực sự nhiều, chỉ tập trung ở một bộ phận nhỏ. Nhiều người có thói quen đi ăn, mua trực tiếp thì vẫn duy trì đặt hàng qua số điện thoại hoặc ứng dụng của chính cửa hàng. Một số cửa hàng còn miễn phí giao hàng, giảm giá nên khách hứng thú hơn so với việc phải mất một khoản phí cho bên thứ ba. Nhiều nhà hàng cho biết doanh số từ khách hàng mua, ăn và đặt hàng trực tiếp vẫn gấp nhiều lần so với khách đặt món từ bên giao nhận.
Giới chuyên môn cho rằng khi kinh tế chia sẻ lên ngôi, các bên cần vận dụng chính sách hỗ trợ, chiết khấu hợp lý và tối ưu để cùng chia sẻ lợi nhuận, bên cạnh việc cải thiện thời gian tiếp nhận và giao hàng. |
Xem thêm |