Đặt món trực tuyến: Những vị khách mới
Đặt món trực tuyến: Những vị khách mới (Nguồn ảnh: Foody) |
Cách đây không lâu, ông Đặng Hoàng Minh, nhà sáng lập Foody.vn, từng chia sẻ trên Facebook cá nhân tình trạng nhân sự của Công ty trong mảng giao nhận thức ăn đang bị các đối thủ chiêu mộ. Ông Minh còn đùa rằng: “Đây là ngành không dễ làm nên việc lấy nhân sự của nhau không giải quyết được gì”. Nhưng biến động nhân sự của các công ty trong ngành cho thấy một thực tế khác...
Những người thứ 3
Đằng sau câu nói đùa đó là cuộc chiến ngầm giữa các công ty hậu cần trong lĩnh vực kinh doanh đồ ăn trực tuyến. Trong thời gian qua, gần như chỉ có mình Foody tập trung đầu tư mảng giao nhận đồ ăn, thức uống vì đây là một bài toán khó được để lại từ những năm 2013-2014.
Do thức ăn đòi hỏi việc bảo quản tốt và khắt khe về thời gian giao nhận, lại không thể giao chung với các món hàng khác như quần áo, giày dép nên các công ty cung cấp dịch vụ giao nhận đều lắc đầu trước nhu cầu của các doanh nghiệp về mặt hàng này khi đứng trước bài toán cân đối chi phí. Một doanh nghiệp cho biết, ở điều kiện lý tưởng, lợi nhuận của ngành này đạt khoảng 10-12%.
Trong khi đó, nhu cầu đặt món ăn và giao nhận tận nhà ngày càng cao tại các thành phố lớn. Chẳng hạn, theo Bamboo, bộ phận nghiên cứu của Havas Riverorchid, có đến 80% số người tham gia trả lời khảo sát đã từng sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nơi.
Trước Foody.vn, Foodpanda.vn (Rocket Internet) từng giải bài toán bằng cách xây dựng riêng một đội ngũ giao nhận, khoảng 100 người cho khu vực ở Hà Nội và TP.HCM. Do doanh thu chủ yếu từ hoa hồng các đơn hàng nên Foodpanda.vn phải bán mình khi Rocket Internet gặp khó khăn về dòng tiền. Về với vietnammm.com, đơn vị này đã dừng ngay bộ phận giao hàng.
Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, Foody không còn đơn độc khi thị trường bắt đầu đón nhận thêm Lala, một dự án của Scommerce hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ. Một nguồn tin khác nói với NCĐT rằng Grab Việt Nam cũng đang bắt đầu triển khai dịch vụ này.
Trước đó, với tiềm năng phát triển của dịch vụ giao món ăn ở khu vực Đông Nam Á, theo kế hoạch, cả Uber lẫn Grab sẽ nhảy vào thị trường này ở Việt Nam. Ứng dụng di động UberEats và GrabFood cùng đội ngũ giao nhận xe máy hùng hậu UberMoto, GrabBike được kỳ vọng sẽ giúp họ nhanh chóng nắm thị phần đáng kể tại Hà Nội và TP.HCM. Grab với tham vọng xây dựng hệ sinh thái di động đã triển khai dịch vụ giao món ăn qua ứng dụng Grab ở Indonesia.
Do trong thời gian thử nghiệm nên ông Lương Duy Hoài, Tổng Giám đốc Công ty Scommerce, từ chối cung cấp thông tin về tiến độ phát triển của Lala, mà chỉ cho biết hiện Công ty tập trung xử lý các nhu cầu phát sinh trong bán kính 6km để đảm bảo tiến độ giao hàng.
“Ở Trung Quốc, doanh thu mảng giao nhận đồ ăn, thức uống chiếm từ 6-8% tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử nhưng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tôi nghĩ thị trường Việt Nam cũng dao động trong con số này”, ông Hoài nói. Báo cáo của Euromonitor cho thấy độ lớn thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 khoảng 33 triệu USD và đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm.
Nhiều dư địa
Trên thế giới, theo kết quả nghiên cứu thị trường của IBISWorld, thị trường đặt hàng thực phẩm trực tuyến ước tính có giá trị 13 tỉ USD. Tuy nhiên, kinh doanh giao nhận thực phẩm tươi sống, trong đó có đồ ăn, hiện có biên độ lợi nhuận thấp do yêu cầu cao về các khâu bảo quản, giao hàng tận tay người dùng.
Tuy nhiên, thị trường này vẫn thu hút cả Google và Amazon tham gia vì hai hãng này kỳ vọng với nền tảng công nghệ hiện đại của mình sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Cụ thể, các hãng này đang phát triển hệ thống máy bay không người lái và ô tô tự lái có khả năng vận chuyển thực phẩm đến tận nhà của khách hàng.
Thị trường này tại Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Theo Công ty Phân tích dữ liệu di động Trustdata (Trung Quốc), trong tháng đầu năm 2017, Meituan Dianping (chống lưng bởi Tencent) và Ele.me (được hậu thuẫn bởi Alibaba), dẫn đầu thị trường giao nhận đồ ăn với thị phần lần lượt là 45,2% và 36,2%.
Số liệu của Trustdata cũng cho thấy có hơn một nửa công ty cung cấp dịch vụ trên Meituan Dianping là độc quyền trên nền tảng này, trong khi con số của Ele.me là 18,6%. Cả hai cũng đã cung cấp hình thức thành viên với mức phí 20 nhân dân tệ/tháng, đổi lại người sử dụng sẽ được hưởng nhiều chương trình giảm giá và giao miễn phí một số mặt hàng.
Mặc dù vậy, cả Meituan Dianping và Ele.me vẫn đang lỗ để giành thị phần. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của hãng Analysys cho rằng rất ít cơ hội cho các công ty nước ngoài như UberEats, Delivery.com (Mỹ), Foodpanda ( Đức), Deliveroo (Anh) có thể thay đổi vị trí hiện nay của Meituan Dianping và Ele.me, bởi vì rào cản chi phí khổng lồ về nguồn vốn và nhân lực giao hàng mà cả hai đã dựng lên.
Với nhiều nét tương đồng, ông Hoài tin rằng thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam sẽ có nhiều điểm chung giống Trung Quốc. Phần lớn người sử dụng là khách hàng của các doanh nghiệp đứng nhất và thứ 2 thị trường, không có chỗ cho người thứ 3. Do đó, nếu so về độ lớn thị trường, mảng giao đồ ăn, thức uống ở Việt Nam có thể chưa đủ hấp dẫn nhưng nó lại thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành đối với loại hình dịch vụ này khá cao.
Một điểm hấp dẫn nữa là cho đến nay, sân chơi còn khá rộng khi chỉ có Foody.vn với Now.vn và Vietnammm.com tham gia. Cả hai từ chối tiết lộ thị phần hiện nay nhưng một số nguồn tin cho biết Now.vn đang dẫn đầu thị trường về số lượng đơn hàng giao hằng ngày. Về phần mình, Vietnammm.com hiện đã đầu tư đội ngũ giao hàng sau một thời gian nói không với hình thức này từ sau khi Foodpanda.vn bỏ cuộc chơi ở thị trường Việt Nam. “Chúng tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để tham gia, chần chừ chỉ thêm bất lợi”, ông Hoài cho biết.
Trong một lần trao đổi với NCĐT, ông Minh của Foody.vn cho rằng các tiêu chí về giao hàng nhanh sẽ sớm thành chuẩn chung của thị trường đặt món trực tuyến chứ không còn là lợi thế khác biệt như trước kia, thay vào đó sẽ là cuộc chiến giảm giá để giành thị phần. Khi có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn, cuộc chiến này sẽ càng rõ nét.