|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sao chép mô hình thành công từ nước ngoài sẽ không còn là công thức chiến thắng của startup công nghệ Việt

17:41 | 26/11/2019
Chia sẻ
Việc sao chép mô hình kinh doanh thành công từ nước ngoài đã tạo ra nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, song nó sẽ không còn là định hướng của thế hệ doanh nhân công nghệ tiếp theo.

Hệ sinh thái khởi nghiệp thịnh vượng của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. 

Nhưng đến nay, đa số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu ở Việt Nam đang sao chép mô hình của các công ty thành công ở nơi khác thay vì tạo ra mô hình đặc trưng cho văn hóa và xã hội Việt Nam. 

Nguyễn Bá Khang, người sáng lập công ty Newcater, nhận định rằng Tiki là "Amazon của Việt Nam", Foody là "Meituan của Việt Nam" và VNG là "Tencent của Việt Nam".

Sao chép công thức thành công từ nước ngoài, theo Khang, không phải điều sai trái. Ngược lại, cách làm ấy đã mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế Việt Nam. 

"Nhờ cách làm ấy mà ngày nay, người dân có nhiều lựa chọn hơn. Họ có thể đặt vé máy bay, phòng khách sạn, mua sản phẩm, gọi xe trên điện thoại di động", Khang bình luận.

Tiki 2

Nhiều người coi nền tảng thương mại điện tử Tiki là "Amazon của Việt Nam". Ảnh: Tiki.vn

Các công ty công nghệ sao chép đang giúp Việt Nam tăng năng suất lao động, khả năng tiếp cận và mức độ cởi mở. Song Khang nhận định đó mới chỉ là sự khởi đầu. 

"Nhờ họ, chúng ta sắp có lứa doanh nhân công nghệ mới, thấm đẫm văn hóa bản địa và bắt đầu tạo ra các startup giải quyết các vấn đề của Việt Nam", Khang nhấn mạnh.

Tình hình tương tự từng xảy ra ở các quốc gia khác. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, Alibaba học mô hình của Amazon, Sina học mô hình của Twitter, còn Baidu học mô hình của Google.

Đổi lại, họ mở đường cho làn sóng tiếp theo: Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc, sinh ra từ các điều kiện đặc thù của người Trung Quốc.

Chẳng hạn, trong khi các ứng dụng phát video trực tiếp (livestream) như Periscope và Meercat lao đao ở Mỹ, các ứng dụng tương tự của Trung Quốc đã bùng nổ, với doanh khoảng 4,4 tỷ USD vào năm 2018.

Phùng Hương, giám đốc công ty Kingchain Media, đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Theo cô, một trong những lí do khiến các ứng dụng phát video trực tiếp yểu mệnh ở Mỹ nhưng thăng hoa ở Trung Quốc là: Văn hóa của người Trung Quốc phù hợp với hoạt động phát video trực tiếp hơn.

Ở Trung Quốc, tỉ lệ người trẻ độc thân đang tăng dần, và họ đang tách khỏi các mối quan hệ xã hội cùng gia đình truyền thống của họ. Vì thế, họ có nhu cầu tương tác bằng livestream rất lớn, dù bản thân họ không thể nhận ra nhu cầu ấy.

Hàng trăm triệu người Trung Quốc dưới 40 tuổi là con duy nhất do chính sách một con của đất nước. Và nhiều người đang xa quê để làm việc tại các thành phố lớn. Livestream tạo ra một cách hoàn toàn mới để kết nối và giải trí, giúp người độc thân không còn cô lập hay cô đơn.

"Để livestream có thể phát triển, các ứng dụng phải thu hút những người sáng tạo nội dung chất lượng cũng như người theo dõi. Các ứng dụng phát video ở Trung Quốc xây dựng mô hình kinh doanh để giải quyết vấn đề này", Hương nói. 

Trên thực tế, một người livestream chuyên nghiệp có thể hưởng mức lương cao hơn so với nhiều công việc đòi hỏi sự lành nghề và những việc chỉ cần tay nghề thấp. 

Năm 2016, The Wall Street Journal đưa tin một cô gái làm công việc livestream kiếm khoản tiền hàng tháng cao gấp 10 lần thu nhập trung bình theo tháng ở tỉnh mà cô sống.

"Ngày nay, livestream đã tạo ra một loại công việc hoàn toàn mới, giúp nâng hàng ngàn người tiến lên tầng lớp trung lưu - và đảm bảo rằng người dùng sẽ có nhiều người livestream để tương tác", Hương nhận xét.

Kết quả của sự đổi mới mang tính địa phương như thế là gì ? Trung Quốc đang có số lượng kì lân lớn nhất bên ngoài Mỹ, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Trên thực tế, Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Bùi Mến