|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiều startup bị cướp sản phẩm, thương hiệu khi chỉ quan tâm đến gọi vốn mà quên đi quyền sở hữu trí tuệ

20:47 | 09/04/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng việc các startup Việt Nam chưa lưu tâm đến việc đăng ký bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến việc bị người khác cướp mất công nghệ, thương hiệu.

Tại hội thảo “Khởi nghiệp nông nghiệp: điều kiện cần và đủ trong thời bình thường mới”, ông Nguyễn Lâm Viên, CEO CTCP Vinamit cho biết sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, con người không chỉ nghĩ ăn để ngon nữa, mà còn ăn cái gì để khoẻ, bảo vệ sự sống. Đây là xu hướng chung của toàn thế giới, không riêng Việt Nam.

Với xu hướng này, người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp có cơ hội phát triển ở cả thị trường trong nước và thế giới nhờ lợi thế Việt Nam là nước có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, tài nguyên bản địa quá tốt.

CEO Vinamit cho rằng khởi nghiệp nông nghiệp có nhiều gian nan nhưng tư duy mới sẽ là động lực giúp doanh nghiệp vững tin trên con đường của mình.

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ bản đều là các thành phần yếu thế, nhưng chúng ta vẫn làm, làm vì tình yêu với sản phẩm, với quê hương, với những gì hàng ngày sống với nó. Đó là nguồn sức mạnh dẫn dắt các bạn trong hành trình khởi nghiệp”, ông Viên nói.

 Hội thảo: "Khởi nghiệp nông nghiệp: điều kiện cần và đủ trong thời bình thường mới". (Ảnh chụp màn hình).

Người trẻ khởi nghiệp đang đi đúng hướng nhưng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc đăng ký bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ.

Theo ông Viên, cho đến đầu năm 2022, Mỹ có hơn 600.000 bằng độc quyền sáng chế, mà đại đa số trong top 10 bằng sáng chế đều liên quan sinh học. Đây là xu hướng mà những dự án khởi nghiệp nông nghiệp của Việt Nam đều có thể đăng ký, nhưng thực tế các bạn trẻ lại thiếu người dẫn dắt.

Tại Việt Nam, việc lấy bằng sáng chế quá khó và chậm, nếu lấy ở nước ngoài người trẻ không đủ điều kiện. Vì vậy, ông Viên cho rằng cơ quan liên quan cần hỗ trợ việc thẩm duyệt bằng sáng chế sớm hơn, nhanh hơn nếu không sẽ rất tai hại.

CEO Vinamit lý giải, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang giải quyết chấp nhận cho các bằng sáng chế nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều.

Nếu các doanh nghiệp nước ngoài lấy được tất cả bằng sáng chế, nhất là liên quan đến thực phẩm, thực phẩm chế biến, những công thức… mà bạn trẻ khởi nghiệp đang làm thì khi chúng ta đưa sản phẩm ra thị trường có khả năng họ yêu cầu phải đóng tiền bằng sáng chế mới được bán sản phẩm.

“Các bạn cần phải biết rằng không phải chúng ta có công nghệ tốt, có sản phẩm tốt là xong. Các bạn có nghĩ là một ngày nào đó có người đến nói rằng các bạn đang vi phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp của họ không? Đó chính là vấn đề đăng ký bằng sáng chế, bằng sở hữu trí tuệ mà tôi muốn nói đến”, CEO Vinamit nhấn mạnh.

Ông Viên cho rằng đó là điều các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến. “Chúng ta sáng tạo quá tốt va có tài nguyên bản đia quý giá. Các bạn trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp yên tâm là đang đi đúng hướng, thế giới đang rất cần, chỉ chưa biết khi nào sẽ bùng nổ mà thôi”, ông Viên nói.

Đồng quan điểm, bà Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cũng đặt vấn đề là nhiều startup chỉ quan tâm đến phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng mà quên đi vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng.

Do vậy, các doanh nghiệp cần xác định quyền sở hữu để tránh việc tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ, tránh bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng.

“Mình khó nhọc để ra được sản phẩm, nhưng vài ngày sau lại có người cướp mất công nghệ của mình, đó chính là vấn đề sở hữu trí tuệ.

Cục Sở hữu Trí tuệ luôn ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, việc đăng ký không quá khó mà vấn đề là cách viết hồ sơ đăng ký cho đúng chuẩn”, bà Mai nói.

Ở góc nhìn của nhà đầu tư, bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ Phát triển Thanh niên đặt ra câu hỏi: “Nếu các bạn khởi nghiệp muốn gọi vốn, thì câu hỏi đầu tiên là tại sao tôi phải đổ tiền vào đây?

Khi đó mình phải đưa tài sản của mình ra, đó là tài sản vô hình, là sáng tạo. Vậy làm sao để ghi nhận tài sản vô hình trong báo cáo tài chính, vì không biết từ đầu để đăng ký tác quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ”.

Như vậy, việc đăng ký bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ cũng có vai trò quan trọng tương đương với phát triển sản phẩm, thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần vá lỗ hổng này để bảo vệ thương hiệu, chất xám của chính mình và đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

Phạm Mơ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.