|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm

16:17 | 20/10/2021
Chia sẻ
"Cha mẹ tôi kinh doanh thất thoát, tài sản có bao nhiêu đều mất hết. Đến chiếc ti vi duy nhất trong nhà cũng bị chủ nợ mang đi. Tôi khởi nghiệp ở xuất phát âm điểm", chị Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết.

Người ta thường biết đến công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản, quả xoài tươi, sầu riêng đông lạnh sang Mỹ.

Những lần đầu tiên ấy gây tiếng vang, mở đường xuất khẩu cho nông sản Việt ở những thị trường khó tính hàng đầu thế giới.

Đằng sau sự thành công đó cần nhắc cái tên Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Chánh Thu với những chiến lược táo bạo, xây dựng doanh nghiệp từ đống tro tàn.

Chèo lái con thuyền gia đình trước sóng gió thương trường, câu chuyện của nữ lãnh đạo Chánh Thu cũng mang những màu sắc mới mẻ dù không ít thử thách, gian truân.

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Khởi nghiệp khi gia đình có nền tảng kinh doanh và sự hỗ trợ của cha mẹ, có ai hoài nghi thành công của chị nhờ sinh ra ở vạch đích, "con nhà nòi"?

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Chị Ngô Tường Vy: Tôi không phải là người sinh ra ở vạch đích. Điểm xuất phát của tôi là con số âm.

Năm tôi 10 tuổi, cha mẹ tôi kinh doanh thất thoát, tài sản có bao nhiêu đều cầm cố hết, chủ nợ đeo bám mỗi ngày. Lúc đó tôi quá nhỏ để hình dung khoản nợ lớn đến chừng nào, chỉ nhớ rằng chiếc ti vi duy nhất trong nhà cũng bị họ mang đi.

Chính lúc này, tôi muốn vươn lên thay đổi cuộc sống, làm những điều ba mẹ tôi chưa làm được.

Có lẽ, con nhà nòi ở đây là vốn sống, máu kinh doanh ba mẹ truyền lại cho tôi. Những phép toán cộng trừ, nhân chia "nuôi" tôi thành một doanh nhân. Hành trình khởi nghiệp gian nan, cực khổ trăm bề của ba mẹ rèn giũa tôi thêm bền bỉ, lì lợm trước những khó khăn trên thương trường.

Mọi người thường nghĩ tôi đi du học nước này nước kia nhưng thực chất tôi chưa có bằng đại học nào. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi lên TP HCM học các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh… rồi về phát triển vựa trái cây của của gia đình thành công ty Chánh Thu hiện nay.

Vì sao gia đình chị quyết định chuyển từ vựa trái cây thành công ty chuyên nghiệp?

Chị Ngô Tường Vy: Chính từ những vấp ngã của ba mẹ, tôi nhận ra rằng việc kinh doanh trước đây theo kiểu "ăn xổi ở thì", miễn sao có lời, có tiền.

Những trải nghiệm ở thành phố lớn cho tôi hiểu rằng đó không phải thứ mình muốn. Tôi muốn tạo ra những giá trị lâu bền, không đơn thuần về kinh tế, mà còn ở giá trị con người và những điều tạo nên hai chữ Chánh Thu.

Lúc mới khởi nghiệp, Chánh Thu chưa có đội ngũ chuyên nghiệp, một mình tôi phải vận hành hàng trăm tấn nông sản mỗi ngày, làm tất cả các công việc từ giấy tờ, kế toán, kiểm tra chất lượng…

Lúc đó, giấc ngủ đủ thật xa xỉ vì khối lượng công việc quá lớn, tôi chỉ ngủ 3 tiếng/ngày. Nhưng những ngày tháng cực khổ đó giúp tôi tích lũy kinh nghiệm và nuôi nhưng ước mơ lớn hơn.

Người ta kinh doanh vì tiền nhưng đối với tôi việc tạo ra giá trị cho những người đồng hành cùng doanh nghiệp như công nhân, nông dân còn quan trọng hơn cả.

Bởi, nếu chỉ kiếm tiền cho cá nhân, gia đình hưởng thụ thì điều này khá dễ và an nhàn, tôi không cần phải lăn lộn, vất vả như vậy.

Có thể hôm nay tôi chưa thành công được như những gì tôi mong đợi, nhưng tôi có ước mơ, ước mơ càng lớn, càng cho tôi nhiều động lực.

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Vậy ước mơ lúc đó của chị là gì và nó lớn lên như thế nào?

Chị Ngô Tường Vy: Ban đầu, tôi chỉ mong muốn làm sao trả hết nợ để người ta không coi thường ba mẹ mình.

Nhiều người hỏi tôi rằng vì sao lấy tên công ty là Chánh Thu thay vì nhiều cái tên dễ nhớ hay tên tiếng Tây sang chảnh. Tôi chỉ cười và nói rằng đó là tên ba mẹ tôi, họ xứng đáng được mọi người công nhận.

Từ thành công xây dựng thương hiệu Chánh Thu, ước mơ của tôi cũng lớn dần, tôi muốn góp phần xây dựng thương hiệu chuỗi trái cây "made in Viet Nam".

Vậy, ý tưởng xây dựng chuỗi nông sản "made in Viet Nam" bắt nguồn từ đâu?

Chị Ngô Tường Vy: Tôi luôn trăn trở vì sao cùng là nông sản, trái thanh thanh long của Đài Loan lại bán giá gấp 5 – 10 lần hàng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Họ có nhiều đơn hàng xuất khẩu trong khi sản lượng cực kỳ nhỏ. Tôi tìm đến vùng đất này để giải mã câu hỏi này?

Tôi tìm đến vùng trồng thanh long ở Đài Loan. Tôi thấy vườn trái cây chín đỏ, ngỏ ý muốn mua vài trái ăn thử nhưng tuyệt nhiên người nông dân không bán dù tôi trả giá cao nhường nào.

Ông ấy nói rằng: "Trái thanh long chưa đủ tuổi, chưa đủ độ đường. Nếu tôi bán cho cô, cô ăn không thấy ngon như lời đồn, cô sẽ đánh giá trái thanh long của Đài Loan không ngon, ảnh hưởng đến cái thương hiệu của chúng tôi".

Cuộc gặp gỡ với nông dân Đài Loan là nguồn động lực cho "made in Viet Nam". (Ảnh: NVCC)

Nông dân ở đây hiểu rằng họ sản xuất không chỉ vì lợi nhuận cho riêng mình mà còn vì thương hiệu quốc gia. Vì vậy, cùng là trái cây nhưng giá trị ở Đài Loan luôn cao hơn các nước khác trong khu vực.

Giờ phút đó, tôi đã ôm người nông dân đó và khóc. Chính câu nói đó thay đổi hoàn toàn tư duy của tôi. Trở về Việt Nam, tôi bắt đầu xây dựng từ gốc rễ bởi khi có vùng nguyên liệu tốt, chúng ta có thể bước ra với thế giới mà không cần lo đầu ra.

Hay như chuyện quả dưa lứa. Cùng một giống dưa, cùng một quy trình nhưng quả dưa lưới nhập khẩu từ Nhật Bản có giá trị cao hơn gấp 5 lần trồng ở Việt Nam.

Vì sao vậy? Chữ "made in Japan" khác với "made in Viet Nam". Chuyện nâng cao giá trị sản phẩm không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà là câu chuyện của chuỗi ngành hàng, và gốc rễ từ người nông dân.

Khi người nông dân có cùng tư duy với doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu này không còn khó, nông sản Việt Nam sẽ không thua kém bất kỳ một quốc gia nào.

Tôi tin vào những giá trị tiềm ẩn của nông sản Việt Nam bởi những yếu tố thuận lợi như vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu…

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Chỉ cần các doanh nghiệp đoàn kết với nhau, việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia không khó.

Mỗi người trong mắt xích, có người được hưởng lợi hơn một chút, có người thiệt một chút cũng không sao, miễn sao chúng ta xác định chúng ta muốn gì và tương lai của chúng ta như thế nào. Chữ tương lai ở đây không phải của riêng ai, tương lai đó có mình và cho thế hệ sau.

Nhiều năm lăn lộn trên thương trường, điều khiến chị lo lắng nhất là gì?

Chị Ngô Tường Vy: Không nói chuyện ai đúng, ai sai, thương trường là câu chuyện của lợi ích.

Nếu như các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh về chất lượng, giá cả với nước bạn thì doanh nghiệp Việt lại đấu nhau ngay trên sân nhà.

Ngay cả những khách hàng ở Mỹ, Australia cũng ngạc nhiên, đặt câu hỏi sao doanh nghiệp Việt lại kỳ lạ đến vậy?

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Nếu Chánh Thu bán sản phẩm này 5 đồng sẽ có doanh nghiệp bạn sẵn sàng phá giá 4,5 đồng. Chúng ta chưa tìm được tiếng nói chung, vẫn thói "trâu buộc ghét trâu ăn", vẫn ích kỷ cho mình và chưa sẵn sàng chia sẻ.

Trước đây, Chánh Thu cung ứng trái cây cho các công ty xuất khẩu, công ty thương mại. Nhưng đến nay, chúng tôi không tìm được sự đồng điệu vì họ đặt lợi nhuận lên trên tất cả, còn chúng tôi thì không.

Đó chính là cú hích khiến tôi quyết định Chánh Thu phải là người chủ động trong cuộc chơi này, chủ động về thương hiệu và cạnh tranh thị trường.

Khi vai trò cung ứng không còn phù hợp, chúng tôi tự khảo sát thị trường và xuất khẩu trực tiếp, chúng tôi có trách nhiệm với sản phẩm nhiều hơn, đến các nước nhập khẩu xem sản phẩm bán như thế nào, cảm nhận của người tiêu dùng ra sao… chứ không chỉ "mang con bỏ chợ".

Xuất khẩu trái cây tươi cũng gặp vô vàn tình huống vì bảo quản, chất lượng… nhưng tôi có cam kết với đối tác nếu tỷ lệ hao hụt vượt 3 – 5%, Chánh Thu sẽ chịu trách nhiệm không chỉ với đối tác mà còn với người tiêu dùng.

Đây là cách chúng tôi gây dựng niềm tin với sản phẩm "made in Viet Nam".

Hiện nay, các tỉnh đang bước vào giai đoạn bình thường mới, sống chung với COVD-19, chị có dự định gì với kế hoạch "made in Viet Nam" của mình?

Chị Ngô Tường Vy: Năm 2022, Chánh Thu sẽ phối hợp với các HTX theo mô hình đồng hành, có sự đầu tư chứ không đơn thuần là liên kết như trước đây.

Chúng tôi cũng có một số doanh nghiệp đồng hành chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, Chánh Thu sẽ tập trung sản xuất, xuất khẩu và làm thương hiệu. Ở đó, sự liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp cần được phân chia rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, kể cả áp dụng một số chế tài để đảm bảo sự cam kết. Chúng tôi hiểu rằng quy định càng chặt chẽ, doanh nghiệp càng phát triển.

Việc xây dựng chuỗi nông sản "made in Viet Nam" sẽ có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Khi nó vận hành hiệu quả, điều chúng ta nhận được là vô giá.

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 6.

Mình phải thay đổi cùng thế giới để thích nghi và tồn tại, sau đó phát triển. Nếu như chúng ta không thay đổi, tồn tại còn khó nói chi đến chuyện phát triển. Phải thay đổi để tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 7.

Từ một vựa hoa quả thành doanh nghiệp thuộc top công ty xuất nhập khẩu trái cây lớn của Việt Nam. Sự lớn mạnh của Chánh Thu thể hiện qua tình hình tài chính như thế nào?

Chị Ngô Tường Vy: Sau khi trả hết nợ, năm 2009, Chánh Thu khởi nghiệp chỉ với vài tỷ đồng ít ỏi. Đi lên từ nông dân, chẳng được ông lớn nào rót vốn nên làm được bao nhiêu, chúng tôi lại tái đầu tư bấy nhiêu.

Song điều tôi tự hào rằng doanh thu hằng năm vẫn tăng đều 30 – 40%, đạt 400 – 500 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021, doanh thu của Chánh Thu sẽ vượt con số 500 tỷ.

2021 là năm sóng gió với doanh nghiệp Việt. Điều gì khiến doanh thu Chánh Thu không giảm, mà còn có thể tăng?

Chị Ngô Tường Vy: Tôi cho rằng bên cạnh doanh thu, điều Chánh Thu lãi nhất trong hai năm COVID-19 là niềm tin của người tiêu dùng. Tôi tin rằng trong nguy có cơ, quan trọng là lạc quan và biết tận dụng thời cơ.

Qua các kênh truyền thông, khách hàng biết Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu trái xoài đi Mỹ, xuất khẩu trái vải đi Nhật, sản phẩm sầu riêng "bay" sang Mỹ, Australia. Sản phẩm của chúng tôi đã có sự lan tỏa.

Khởi nghiệp từ con số âm, nữ doanh nhân 8X lội ngược dòng, thu về 500 tỷ đồng/năm - Ảnh 9.

Bóng hồng của Chánh Thu mang trái cây Việt Nam phủ sóng thị trường Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Cũng xin tiết lộ rằng, doanh thu của mình chủ yếu nằm ở sản phẩm trái cây đông lạnh, đặc biệt là sầu riêng. Những sản phẩm này không chỉ đem lại trải nghiệm mới cho khách hàng mà còn có lợi thế hơn giá logistics rẻ, dễ bảo quản so với trái cây tươi.

Bên cạnh đó, xu hướng của người tiêu dùng đã thay đổi, trước đây ăn cho no, ăn cho ngon thì nay ăn cho bổ. Sang năm 2022, Chánh Thu sẽ phát triển sản phẩm theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị dinh dưỡng và cập nhật thêm nhiều công nghệ chế biến mới.

Xin hỏi một câu khá riêng tư, một người phụ nữ vừa chăm lo gia đình vừa làm kinh tế và công tác xã hội. Có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi?

Chị Ngô Tường Vy: Một người phụ nữ khi bước vào thương trường chắc chắn sẽ phải đánh đổi những giây phút "bình thường" ở bên con cái, gia đình. Vai trò hết sức giản đơn ý bị ẩn đi một chút và có những khoảng lặng không ai hiểu được.

Tuy nhiên, cuộc đời này không cho ai trọn vẹn cả. Nếu tôi hy sinh nhỏ bé của ấy có thể đổi lấy những giá trị tốt đẹp cho người khác, tôi nghĩ cũng đáng và vui vẻ chấp nhận. Đổi lại, tôi nhận được nhiều tình thương của những người đồng hành cùng mình.

Tôi gọi đó là hành trình người phụ nữ dám bước qua những ích kỷ nhỏ của bán thân và thay đổi chính mình.

Ở ngành nông nghiệp có nữ hoàng cá tra, nữ hoàng hột vịt… chị có kỳ vọng mình sẽ trở thành nữ hoàng trái cây của Việt Nam?

Chị Ngô Tường Vy: *Cười*, đối với tôi, danh xưng không quan trọng. Tôi chỉ cần khi nhắc đến trái cây, mọi người nhớ đến người phụ nữ Bến Tre trong chiếc áo bà ba đồng hành với nông dân. Đối với tôi, như thế là quá đủ.

Xin chân thành cảm ơn chị!

Phạm Mơ