Xuất khẩu trái cây tiếp tục bế tắc vì cước vận tải cao và làn sóng COVID-19
Theo Bộ Công Thương, nhiều loại trái cây ở khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên như nhãn, chôm chôm, mít, cam, xoài… đang vào vụ thu hoạch với tổng sản lượng lên tới 4 triệu tấn.
Tuy nhiên, việc các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội khiến công nhân không thể đến thu hoạch, thương lái chưa đến thu mua dẫn đến tình trạng tồn đọng, tiêu thụ chậm.
Tại "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021", ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết tỉnh cần tiêu thụ 15.000 tấn thanh long và hàng nghìn tấn dưa hấu, lúa và thủy sản.
Tuy nhiên, các chợ đầu mối và chợ truyền thống ở TP HCM và các tỉnh phía Nam đóng cửa gây khó khăn cho việc thu hoạch, tiêu thụ và cả xuất khẩu.
"Các mặt hàng như thanh long, vải, nhãn chanh, rau củ quả cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu qua Trung Quốc, Campuchia", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vina T&T cho biết 6 tháng đầu năm xuất khẩu trái cây của Vina T&T tăng 15% nhờ dịch bệnh trong nước được kiểm soát, sản xuất trong nước ổn định, nhu cầu thị trường thế giới tăng cao.
Tuy nhiên, bước sang tháng 7 bức tranh tươi sáng bắt đầu xuất hiện những gam màu tối. Dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên chuỗi sản xuất của ngành hàng rau quả. Hầu hết các vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách xã hội khiến thời gian thu hoạch và chế biến giảm, thiếu hụt công nhân thu hoạch.
"Trước đây công ty tiến hành thu hoạch trái cây vào khoảng 3h - 6h30 sau đó đưa hàng về sơ chế đến khoảng 24h và sản lượng đạt gần 200 tấn.
Tuy nhiên, thời gian làm việc của người lao động bị giảm mạnh khiến năng suất thu hoạch và công suất chế biến chỉ đạt 20 – 30%, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản", ông Tùng nói.
"Bên cạnh đó, cước vận tải đường biển tăng gấp khoảng 5 - 10 lần so với trước khi bùng dịch COVID-19.
Và nguy cơ hãng tàu không nhận vận chuyển tàu quả, container lạnh vì giá thành bằng hàng khô, rủi ro cao. Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với hãng tàu nhưng chưa tìm thấy tiếng nói chung, bình thường được cấp hơn 100 container nhưng nay chỉ được cấp 30 - 40 container", ông Tùng cho biết.
Đại diện Vina T&T cũng cảnh báo nông dân đang rất hoang mang có nên đầu tư chăm sóc cây trồng vì không biết dịch sẽ kéo dài bao lâu. Điều này có thể khiến thiếu lượng lớn trái cây và trái cây chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sau khi dịch bệnh qua đi.
Do đó, ông Tùng kiến nghị các địa phương cho phép đội ngũ thu hoạch, công nhân nhà máy được làm việc sớm hơn 6h và muộn hơn 18h để đảm bảo tiến độ giao hàng và chất lượng nông sản.
Hiện nay những gói hỗ trợ doanh nghiệp chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài doanh nghiệp cần hoạt động, lưu thông để tồn tại", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải sớm làm việc với các hãng tàu, dành lại một phần container cho hàng lạnh, khơi thông hàng hóa.
Cũng nói về vấn đề logistics, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu LTP Import Export B.V. (Hà Lan) cho biết tại châu Âu, nông sản Việt không chỉ cạnh tranh với nông sản Trung Quốc mà còn phải cạnh tranh với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới.
Nếu vận chuyển bằng hàng không đi châu Âu thì chi phí cao, công nghệ bảo quản còn sơ khai khiến trái cây bị hỏng nhiều. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao cũng đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Mới đây, doanh nghiệp vừa thử nghiệm đưa container 6 tấn vải thiều sang châu Âu bằng đường biển. Sau 5 tuần trên biển, trái vải vẫn giữ nguyên vẹn mùi thơm, vỏ hồng, đẹp và quả vải dày cơm, mọng nước và ngọt.
"Đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang châu Âu bởi giá vận tải biển chỉ bằng 1/3 so với hàng không, giảm gánh nặng chi phí logistics", ông Hiền nói.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Hàng hóa là nông thủy sản chỉ chậm 1 - 2 giờ đã gay go, chưa nói đến 1 - 2 ngày.
Vì vậy các địa phương không đặt ra các điều kiện riêng trong lưu thông hàng hóa, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến hàng nông sản, thủy sản hoạt động trở lại. Dù hoạt động vẫn khó khăn nhưng khó cũng phải làm vì không ai biết khi nào dịch sẽ dừng lại", ông Diên cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước là quan trọng nhất, sau đó đến thị trường xuất khẩu truyền thống.
Hiện nay, xuất khẩu nông sản đang có tín hiệu tốt ở các nước Nam Á, Đông Á, đặc biệt là Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… Do đó, các doanh nghiệp cần chớp lấy thời cơ mở rộng ra các thị trường mới với tinh thần không quá lệ thuộc vào một vài thị trường chính.