|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí logistics tăng phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây điêu đứng

07:52 | 30/07/2021
Chia sẻ
Hiện nay, chi phí logistics đi Mỹ tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Giá logistics tăng phi mã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đấu tranh nên tiếp tục hay dừng lại?

Theo thống kê của tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) đến tháng 8 có khoảng 640 nghìn tấn trái cây cần thu hoạch và tiêu thụ. Trong đó, những loại có sản lượng lớn như xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, dứa 30 nghìn tấn, mít 10 nghìn tấn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: "Hiện nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch. Nguồn hàng nông sản, lương thực đang có nguy cơ dư thừa. Cần có sự kết nối để không xảy ra tình trạng ách tắc nơi này nhưng lại thiếu hụt ở nơi khác".

Và bên cạnh thị trường nội địa thì xuất khẩu trái cây đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ và gia tăng giá trị nông sản.

Trong tháng 6, xuất khẩu rau quả ước đạt 360 triệu USD đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khiến vựa hoa quả và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây khó trăm bề, nổi cộm là chi phí logistics.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện đạt 9.600 USD/container, tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch.

Thậm chí chi phí logistics đi New York lập đỉnh mức 18.000 – 19.000 USD/container, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch. Tất cả những chi phí phát sinh này sẽ tính vào giá thành, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm.

"Bất cập hiện này là tình trạng thiếu container rỗng. Tuy nhiên thực tế container nhập khẩu tồn tại các cảng còn rất nhiều do các nhà nhập khẩu đang ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Điều này khiến lượng container dư thừa còn nhiều trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu trầm trọng. Do đó, cần có biện pháp thương lượng với hãng tàu và kìm hãm giá cước logistics", ông Tùng nói.

Chi phí logistics tăng phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây điêu đứng - Ảnh 1.

Trái cây có số lượng đầu mối đăng ký tiêu thụ nhiều nhất trong các mặt hàng nông sản (Ảnh: Bộ TT&TT)

Cùng quan điểm, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết chi phí logistics tăng cao là bài toán khó với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, bà Vy cho rằng cần có kênh thông tin điện tử để cập nhật chi phí cước vận chuyển theo tuần cho doanh nghiệp nắm bắt, kiểm soát chi phí logistics.

Bên cạnh đó, bà Thu đề xuất với các doanh nghiệp vận tải sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không tận dụng cơ hội kiếm lời trong giai đoạn khó khăn này.

"Giá logistics tăng phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đấu tranh với chính mình về việc tiếp tục hay dừng lại. Bởi, nông sản tồn kho có giá trị lớn, nếu không đảm bảo được an toàn thì con số thiệt hại của doanh nghiệp cũng nhân lên nhiều lần", bà Thu cho biết.

Bên cạnh chi phí logistics, việc các tỉnh phía Nam áp dụng "giờ giới nghiêm" cũng ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, chế biến và thời gian xuất khẩu trái cây.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết: "Thông thường công ty tiến hành thu hoạch trái cây vào khoảng 4h - 6h30, sau đó đưa hàng về sơ chế đến khoảng 22h và sản lượng đạt khoảng 100 tấn.

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định thì 6h người lao động mới được ra ngoài để đi thu hoạch và phải về nhà trước 18h. Điều này khiến hiệu quả công việc, công suất nhà máy giảm mạnh, chỉ bằng 20 - 30% so với trước đây".

Trong khi đặc thù các loại trái cây tươi sau khi thu hái về phải xử lý ngay. Nếu trước đây mỗi ngày doanh nghiệp có thể xử lý và xuất đi vài container trái cây nhưng hiện nay phải dồn nhiều ngày mới đủ một container, phát sinh thêm rất nhiều chi phí và ảnh hưởng lớn tới chất lượng trái cây.

Bên cạnh vấn đề thu mua nông sản, bà Vy cũng phản ánh: "Hằng ngày tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của các hợp tác xã, mời Chánh Thu mua nhãn, sầu riêng nhưng khả năng của doanh nghiệp có hạn.

Do đó, Chánh Thu kiến nghị cần có chính sách hạ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua nông sản trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời có cơ chế vay tín chấp dựa trên lượng hàng tồn kho để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, hỗ trợ người dân".

Bên cạnh đó, đại diện Chánh Thu cũng mong muốn xây dựng mô hình hợp tác với HTX theo mức giá sàn. Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất với Bộ NN&PTNT có chương trình khảo sát giá thành nông sản ở từng địa phương và dựa trên đó đưa ra mức giá sàn cho nông sản.

Điều này giúp doanh nghiệp nội địa, xuất khẩu và hệ thống siêu thị cập nhật giá, xác định khả năng tiêu thụ và người dân yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, Chánh Thu cho rằng Bộ NN&PTNT cần phối hợp với doanh nghiệp, HTX xây dựng lại hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Việt, nâng cao sản lượng tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, Chánh Thu kiến nghị xây dựng thương hiệu quốc gia với ít nhất 3 sản phẩm trái cây giúp xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định tại một số địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, buộc phải ưu tiên kiểm soát dịch, dẫn đến việc cung ứng, lưu thông và phân phối nông sản còn bị ách tắc cục bộ.

Do đó, cần giải quyết vận chuyển cho thông suốt để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn kết nối với các chuỗi cung ứng khác và phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh nắm địa bàn sát và lắng nghe các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Hoàng Anh