Chanh leo Việt Nam xuất vào Mỹ năm tới
Thông tin được ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật), chia sẻ tại diễn đàn về nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị nông sản miền Bắc, do Cục trồng trọt và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 6/12.
Ông Chiến cho biết phía Việt Nam với Mỹ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh leo tươi. Dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất năm 2025.
Hồi tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh leo qua Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD.
Trước khi đàm phán xuất khẩu chanh leo qua Mỹ, Việt Nam cũng đàm phán xuất loại quả này thành công qua thị trường Australia hồi tháng 8/2024. Khi đó, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long.
Theo ông Chiến, chanh leo xuất qua Australia được yêu cầu nguyên quả, không có cuống hoặc nếu có không quá 3 cm. Phải được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói trước khi xuất khẩu. Không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm. Lô chanh leo phải được chiếu xạ 400 Gy; tuân thủ yêu cầu về đóng gói cũng như kiểm dịch thực vật.
Còn với thị trường Trung Quốc, chanh leo đang được xuất khẩu theo kiểu tạm thời và chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu chỉ định như Hữu Nghị, Tân Thanh, Tà Lùng... Chỉ cần phát hiện sinh vật gây hại sẽ tạm dừng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có gần 9.500 ha trồng chanh leo chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên, mỗi năm cho sản lượng gần 190.000 tấn và nằm trong số 18 loại trái cây có sản lượng trên 100.000 tấn một năm. Đặc biệt, 80% sản lượng chanh leo thu hoạch hàng năm được doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu loại quả này đạt hơn 222 triệu USD. Hiện nay, các nước châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm chế biến dịch chanh leo cấp đông.
Ngoài ra, đối với quả vải, quy trình mở cửa thị trường Hàn Quốc cũng đang hoàn tất. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 19 loại trái cây và nông sản tươi sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia. Các sản phẩm chủ lực bao gồm thanh long, mít, xoài, nhãn, chuối, sầu riêng tươi, và một số loại trái cây đông lạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, rau quả Việt Nam bứt phá với kim ngạch đạt 6,6 tỷ USD sau 11 tháng, tăng 28,2% so với năm trước. Toàn ngành tự tin cán mốc kỷ lục 7,2 tỷ USD năm 2024.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chiếm tới 66,5% tổng kim ngạch. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu có thay đổi về chính sách nhập khẩu.
Gần đây, các sản phẩm chế biến đang tăng trưởng mạnh, đạt giá trị 1,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Thế nhưng, theo các chuyên gia, ngành chế biến mới đáp ứng 10-17% sản lượng rau quả một năm. Phần lớn vẫn được xuất khẩu dưới dạng tươi hoặc sơ chế, với tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 20%.
Theo PGS TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cả nước có 150 nhà máy chế biến hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở bảo quản nhỏ lẻ. Con số này còn khá khiêm tốn so với quy mô sản xuất của Việt Nam.
Để xuất khẩu bền vững, các nhà chức trách cho rằng, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến nghiêm ngặt. Điều này không chỉ nâng cao uy tín sản phẩm mà còn tạo cơ hội tiếp cận bền vững với các thị trường quốc tế.
Theo ông Chiến, mỗi thị trường có tiêu chuẩn riêng. Chẳng hạn, Mỹ cấm các loại sinh vật gây hại trên bưởi như ruồi đục quả, sâu đục quả, một số loại nấm. Trong khi đó, New Zealand lại cấm thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, nhện đỏ.