Làm sao để đưa Robusta Việt Nam lên tầm 'thượng hạng'?
Khi nhắc đến Việt Nam, phần lớn thế giới nghĩ ngay đến vị trí hàng đầu về xuất khẩu cà phê Robusta. Nhưng ít ai biết rằng, thị trường nội địa - nơi từng bị xem nhẹ - giờ đây đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về nhu cầu tiêu thụ. Trong bức tranh rộng lớn ấy, một câu hỏi lớn đặt ra: làm thế nào để không chỉ nâng cao mức tiêu thụ trong nước mà còn xây dựng thương hiệu quốc gia cho cà phê Việt Nam?
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022.
Mức tiêu thụ nội địa dự kiến đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm, tăng bình quân khoảng 6,6%/năm từ 2025 đến năm 2030.
Theo thống kê của Mibrand, Việt Nam hiện nay có hơn 500.000 quán cà phê. Đặc biệt, sự đa dạng về loại hình các quán cà phê đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, CEO Simexco Đắk Lắk, nhận định: “Thực tế chúng ta đang nhìn thấy sự tăng trưởng trong tiêu thụ cà phê nội địa và xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục tăng.”
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cũng chia sẻ với sự lạc quan: “Mức độ tiêu thụ nội địa đang tiến tới mức trên 15% (so với tổng sản lượng), trước đây con số này chỉ loanh quanh 6%. Đặc biệt, giới trẻ hiện tại tiêu thụ cà phê hòa tan nhiều vì tính nhanh gọn, và các công ty cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để đáp ứng nhu cầu này.”
Dù tiêu thụ nội địa tăng trưởng, bài toán xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Vicofa đã nhấn mạnh trong báo cáo tổng kết niên vụ 2023-2024 rằng ngành cần tập trung phát triển các sản phẩm cà phê đặc sản mang đặc trưng riêng của Việt Nam để nâng tầm giá trị trong chuỗi ngành hàng.
"Thực tế, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã quan tâm tới cà phê đặc sản, tuy nhiên số lượng vẫn còn quá khiêm tốn. Hiện nay, tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng lớn của cà phê Việt Nam", báo cáo nêu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản vẫn còn khiêm tốn. Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, mục tiêu đến năm 2030 là đạt diện tích 19.000 ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn - tương đương 3% tổng diện tích cà phê cả nước.
Ông Lê Đức Huy nhận xét: “Tỷ lệ tiêu thụ nội địa đang tăng trưởng khoảng 6-8%. Đáng mừng là nhóm khách hàng sử dụng cà phê đặc sản cũng có chiều hướng tăng, nhưng mức tiêu thụ nội địa hiện tại vẫn còn thấp.”
Nói về xu hướng tiêu thụ nội địa tăng trường, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, cho rằng với việc kinh tế phát triển, điều kiện thu nhập của người tiêu dùng được cải thiện, đi kèm việc người dân chuyển sang uống cà phê nhiều hơn so với trà thì mức tiêu thụ cà phê nội địa sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
"Trước đây, miền Bắc quen uống trà nhiều hơn so với cà phê nhưng thói quen đã dần thay đổi và khi điều đó diễn ra, tôi tin rằng mức độ tiêu thụ của Việt Nam dần đuổi kịp nhiều cường quốc cà phê khác", ông Đỗ Hà Nam nói.
Khi được đặt câu hỏi về việc khẩu vị của người tiêu dùng đang có phần ưa chuộng những dòng hạt Arabica nhập khẩu nhiều hơn, ông Lê Đức Huy cho rằng người tiêu dùng trong nước nên thử hạt Robusta chất lượng của Việt Nam. "Tại sao chúng ta có cà phê mà lại không tạo cơ hội cho cà phê của đất nước mình? Tôi không muốn so sánh, điều này là tuỳ khẩu vị của từng người nhưng người tiêu dùng Việt nên thử hạt cà phê trong nước, thay vì chạy theo đánh giá và sự dẫn dắt của một số nhà sản xuất, rang xay", CEO Simexco Đắk Lắk nêu quan điểm.
Fine Robusta - dòng cà phê ngách ngành đang theo đuổi
Trong dòng chảy đổi mới, Fine Robusta (dòng cà phê Robusta đặc sản) từ Việt Nam, đang âm thầm "chảy" trong nhiều năm qua. Loại cà phê này không chỉ được sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chọn hạt, rang xay mà còn giữ được những nốt hương độc đáo như socola, kem dừa hay hạt dẻ.
Ông Nguyễn Thành Tài, Tổng Giám đốc Fine Robusta Việt Nam, cho biết: “Thay vì cố gắng biến Fine Robusta theo hướng giống Arabica - thiên vị chua của trái cây, chúng tôi đang tập trung giữ những nét nguyên bản của Robusta Việt Nam và chất lượng sơ chế được cải thiện. Điều này giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà vẫn giữ được bản sắc riêng.”
Giới chuyên gia nhận định Fine Robusta là một loại cà phê chất lượng cao với hương vị phong phú và đa dạng. Theo đánh giá của các chuyên gia, Fine Robusta có thể sánh ngang với các loại cà phê Arabica chất lượng cao về hương vị và chất lượng.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao quá trình sản xuất Fine Robusta, từ việc chọn lọc hạt cà phê đến quá trình rang xay và đóng gói. Quá trình này giúp giữ nguyên hương vị và chất lượng của hạt cà phê.
Bên cạnh đó, Fine Robusta cũng được đánh giá cao về tính bền vững. Các chuyên gia cho rằng việc sản xuất Fine Robusta có thể giúp bảo vệ môi trường và hỗ trợ cuộc sống của các nông dân trồng cà phê.
Là người có hơn một thập kỷ tìm hiểu về cà phê Việt Nam, ông Timen Swijtink, nhà sáng lập thương hiệu Lacàph, đặc biệt khen ngợi Fine Robusta. Ông dùng từ "Amazing (tuyệt vời - PV)" để nói về chất lượng của dòng sản phẩm này.
“Thế mạnh của Việt Nam là Robusta. Nếu chúng ta dạy các nhà rang xay ở Mỹ và châu Âu biết cách rang Robusta, thương hiệu Robusta chất lượng cao của Việt Nam chắc chắn sẽ được biết đến nhiều hơn", ông nói thêm.
Nhà sáng lập Lacàph cho rằng Việt Nam đứng trước cơ hội là người sở hữu dòng cà phê Robusta thượng hạng. Lúc đó, khi người tiêu dùng nhắc đến Fine Robusta sẽ nghĩ đến ngay Việt Nam; giống như cách người ta nhắc đến cà phê Arabica đặc sản và sự liên tưởng đầu tiên đó chính là Panama.
"Việt Nam sẽ có cơ hội được biết đến nhiều hơn với dòng cà phê Robusta “siêu thượng hạng”. Tuy nhiên điều này sẽ mất nhiều thời gian vì nhiều người tiêu dùng phổ thông có suy nghĩ cố hữu từ xưa đến nay rằng chất lượng cà phê Arabica tốt còn Robusta thì kém. Tôi tin rằng quan niệm của người tiêu dùng sẽ thay đổi nếu họ có cơ hội trải nghiệm. Ngày càng nhiều nông trại đã tạo ra dòng Robusta chất lượng cao", ông Timen Swijtink nói.
Ông Lê Đức Huy cho biết Fine Robusta đang có những thế mạnh mà Arabica đặc sản chưa có và không thể bắt chước được đó chính là hàm lượng cafein cao.
“Khi nhắc đến cà phê đặc người ta thường nghĩ đến arabica. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về robusta và hoàn toàn có thể phát triển thành cà phê đặc sản. Có những đặc tính tốt của arabica đặc sản, robusta cũng có thể ‘bắt chước’ được nhưng đặc tính hàm lượng cafein cao của robusta thì arabica không thể nào có được. Do đó, đây là lợi thế của Việt Nam, phù hợp với đối tượng khách hàng thích sự đậm đà, tỉnh táo”, ông Huy nói.
Nút thắt chưa thể tháo gỡ trong dòng cà phê đặc sản
Tuy nhiên, cũng chính vì theo đuổi lối đi riêng, không giống xu thế của thế giới mà việc sơ chế fine robusta trở nên khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết cà phê đặc sản của Việt Nam vẫn còn quá non trẻ so với thế giới khi mới hình thành được khoảng 10 năm. Do đó, vị thế trên thế giới còn khiêm tốn và quá trình phát triển còn nhiều khó khăn dù Việt Nam là một cường quốc về cà phê.
Điểm chất lượng cà phê đặc sản của Việt Nam khoảng 84 - 85/100 trong khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt khu vực Nam Mỹ là trên 90/100. Có những lô cà phê đặc sản giá cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Điển hình như giống Geisha Panama nhiều năm “chiếm sóng” trong các cuộc thi cà phê đặc sản trên thế giới, được bán với giá khoảng 500 USD/kg (tương đương khoảng 12,7 triệu đồng/kg, tức gấp 10 lần giá của Việt Nam).
Theo ông Lê Đức Huy, để đạt mức 90 điểm là “cực kỳ khó” nhất là với ngành cà phê đặc sản còn quá non trẻ như Việt Nam.
Một trong những nút thắt lớn khiến cà phê đặc sản Việt Nam chưa thể phát triển, đạt điểm cao trong các quốc thi quốc tế đến từ khâu sau thu thái (sơ chế, chế biến).
Ông Minh cho biết trong những năm qua, ngành cà phê đặc sản chủ yếu tập trung vào khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Còn những khâu trước đó như giống, vùng trồng chủ yếu dựa vào nền tảng đã có sẵn, chưa có đủ điều kiện và thời gian để cải thiện.
Đối với khâu sau thu hoạch hiện đang thiếu người đủ trình độ, bằng cấp và tài liệu để hướng dẫn cho người nông dân.
“Người ‘đứng lớp’ phải có chứng chỉ quốc tế trong khi ở Việt Nam có ít người đạt được tiêu chí này. Một năm chỉ có thể đào tạo tối đa cho 100 người. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thiếu tài liệu để đào tạo. Chúng tôi đang cố gắng biên soạn, Việt hoá những tài liệu nước ngoài, đồng thời tinh chỉnh sao cho phù hợp với Việt Nam. Bởi, những tài liệu nước ngoài chủ yếu dành cho arabica còn Việt Nam chủ yếu trồng robusta”, ông Minh cho biết.
Một khó khăn khác là thiếu nguồn lực hỗ trợ về vốn từ Nhà nước để phát triển cà phê đặc sản. Ông Minh cho biết thời gian qua, chỉ có một vài doanh nghiệp có đủ tiềm lực để tự túc tham dự các hội trợ cà phê đặc sản trên thế giới chứ chưa được sự hỗ trợ từ Nhà nước.
“Chúng tôi cũng đã kêu gọi Nhà nước xin được hỗ trợ nhưng chắc có lẽ vì ngành còn nhỏ nên chưa được hỗ trợ nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn tham dự hội trợ trên thế giới hơn nữa dưới danh nghĩa hiệp hội”, ông Minh cho biết.
Để Fine Robusta hay cà phê đặc sản Việt Nam có chỗ đứng trên bản đồ cà phê thế giới, việc xây dựng một chiến lược quốc gia là điều cấp thiết. Ông Nguyễn Thành Tài đề xuất: “Cần có những tiêu chuẩn riêng cho sản phẩm, đào tạo về sản xuất, rang xay để tạo ra một dòng cà phê bền vững. Điều này không chỉ giúp định hình thương hiệu quốc gia mà còn cải thiện cuộc sống của người nông dân.”
"Mức độ tiêu thụ Fine Robusta của Việt Nam ở thị trường nội địa đang rất là thấp. Các doanh nghiệp cũng đang cố chen chân vào thị trường với dòng sản phẩm này nhằm 'ăn theo' làn sóng cà phê Arabica đặc sản vốn đã được định hình từ lâu. Câu chuyện thương hiệu vẫn đang được xây dựng, song định hướng chung vẫn là đưa ra thị trường xuất khẩu trước rồi mới trở về với nội địa", ông Tài nêu thực trạng tiêu thụ Fine Robusta của Việt Nam.