|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ: Các quy định về sở hữu trí tuệ

12:23 | 08/01/2021
Chia sẻ
“Trí tuệ” là một trong những tài sản vô cùng quan trọng và được luật pháp Mỹ bảo vệ.
Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Sở hữu trí tuệ bao gồm sở hữu phát minh sách chế (patents), nhãn hiệu thương mại (trade marks) và bản quyền (copy rights), theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston.

Bằng sáng chế (patents)

Bằng sáng chế được cấp cho các phát minh mới (như quy trình, máy móc, kỹ thuật sản xuất hoặc thành phần của các chất), hoặc bất kỳ cải tiến mới và hữu ích nào của một sáng chế hiện có.

Bằng sáng chế được cấp nhằm ngăn chặn người khác hoặc doanh nghiệp khác chế tạo, sử dụng hoặc bán chúng mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bằng sáng chế.

Theo định nghĩa của Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO), bằng sáng chế là "quyền không cho người khác chế tạo, sử dụng, chào bán hoặc bán sáng chế tại Mỹ hoặc nhập khẩu sáng chế vào Mỹ.”

Bằng sáng chế của Việt Nam không bảo vệ tài sản của doanh nghiệp bạn tại thị trường Mỹ. Để có được sự bảo vệ này, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Mỹ (kể cả xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ) cần phải xin bằng sáng chế thông qua Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.

Bằng sáng chế của Mỹ có giá trị trong 20 năm.

Tại Mỹ, các kiểu dáng công nghiệp được coi là "bằng sáng chế thiết kế" và cũng do Văn phòng Sáng chế USPTO xử lý.

Nhãn hiệu thương mại (Trademarks)

Nhãn hiệu thương mại (Trademarks) được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ định nghĩa là bảo vệ "từ ngữ, tên, biểu tượng, âm thanh hoặc màu sắc để phân biệt hàng hóa và dịch vụ với hàng hóa và dịch vụ do người khác sản xuất hoặc bán và để chỉ ra nguồn gốc của hàng hóa".

Nhãn hiệu thương mại đặc biệt quan trọng nếu doanh nghiệp muốn bảo vệ uy tín và thị phần sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Việc để mất hoặc để người khác sử dụng và đánh cấp nhãn hiệu thương mại không những chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, mà còn thiệt hại nghiêm trong đến thị phần và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bản quyền (Copyrights)

Theo Văn phòng Bản quyền Mỹ (U.S Copyright Office), bản quyền là "một hình thức bảo vệ được cung cấp cho tác giả của các tác phẩm gốc, bao gồm văn học, kịch, âm nhạc, nghệ thuật và một số tác phẩm trí tuệ khác".

Bản quyền bao gồm cả tác phẩm đã xuất bản và chưa xuất bản, đồng nghĩa với việc tác giả được độc quyền sản xuất, tái sản xuất, trình diễn hoặc xuất bản tác phẩm hoặc cho phép bất kỳ ai khác làm như vậy.

Bản quyền của Mỹ kéo dài suốt cuộc đời của tác giả cộng thêm 70 năm. Để biết thêm thông tin, doanh nghiệp/cá nhân có thể tham khảo tại trang https://www.copyright.gov/

Người sở hữu bản quyền tự động nhận được bản quyền khi tạo một tác phẩm gốc.

Đăng ký bản quyền là tùy chọn, nhưng đăng ký tạo ra một giả định về giá trị có thể được sử dụng để mang lại lợi ích cho cá nhân/doanh nghiệp nếu quyền của cá nhân/tập thể với tác phẩm bị vi phạm.

Bản quyền được bảo vệ ở tất cả các quốc gia đã ký Công ước Berne về bản quyền hoặc Công ước Bản quyền Toàn cầu (Universal Copyright Convention). Mỹ là thành viên của hai công ước này. Nếu muốn đăng ký bản quyền của mình tại Mỹ, cá nhân/doanh nghiệp có thể đăng ký thông qua Văn phòng Bản quyền Mỹ (U.S. Copyright Office).

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ

Bản chất của tài sản trí tuệ là vô hình và tính di động tương đối của loại tài sản này làm cho tài sản trí tuệ dễ bị đánh cắp và khó bảo vệ.

Hành vi trộm cắp như vậy khiến các công ty và cá nhân hợp pháp bị thiệt hại, có thể thiệt hại về doanh thu hoặc mất cơ hội kinh doanh và bán hàng. 

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh hoặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần thiết lập sự bảo vệ hợp pháp bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc bản quyền bằng cách đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, thường xuyên kiểm tra thông tin để phát hiện kịp thời mọi dấu hiệu vi phạm, để sớm có biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình.

Ánh Dương