Chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ: Hợp đồng xuất khẩu hàng hóa
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, hợp đồng xuất nhập khẩu có nhiều khả năng gây ra tranh chấp hơn so với hợp đồng thương mại trong nước, vì các bên tham gia hợp đồng đến từ những nơi có các luật kinh doanh, quy định và các thông lệ kinh doanh khác nhau.
Do đó, doanh nghiệp nên soạn thảo các hợp đồng xuất nhập khẩu của mình rõ ràng, chính xác và toàn diện nhất có thể, Thương vụ Việt Nam tại Houston khuyến nghị.
Để cung cấp một thuật ngữ chung cho vận chuyển quốc tế và giảm thiểu những hiểu lầm về các điều khoản hợp đồng, doanh nghiệp nên tra cứu Incoterms: https://iccwbo.org/publication/incoterms-2020-introduction/
Điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa là người bán sẽ chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua để đổi lấy việc thanh toán.
Phần còn lại của hợp đồng xuất khẩu quy định các điều khoản và điều kiện để thực hiện việc này và tối thiểu phải mô tả:
- Các bên của hợp đồng;
- Điều kiện hiệu lực của hợp đồng;
- Hàng hóa doanh nghiệp sẽ cung cấp;
- Giá mua hàng hóa và các điều khoản thanh toán, kiểm tra và giao hàng;
- Các điều khoản và điều kiện bảo hành và/hoặc bảo trì;
- Bên nào chịu trách nhiệm về giấy phép xuất nhập khẩu;
- Bên chịu trách nhiệm nộp thuế;
- Các yêu cầu bảo mật thực hiện hợp đồng;
- Các điều khoản ràng buộc trách nhiệm nếu người mua vỡ nợ hoặc hủy bỏ;
- Các quy định hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp, ghi rõ nơi diễn ra xử lý tranh chấp (Việt Nam, Mỹ hay một nước thứ ba);
- Ngày hoàn thành hợp đồng.
Nếu hợp đồng liên quan đến việc cấp phép thông tin độc quyền hoặc công nghệ, thì từ ngữ phải rất chính xác về quyền hạn của người sử dụng bản quyền (licencee).
Sự mơ hồ và không rõ ràng có thể tạo ra các vấn đề nghiêm trọng và có thể dẫn đến mất tài sản trí tuệ của cá nhân/doanh nghiệp Việt Nam.
Ví dụ, nếu người sử dụng bản quyền (licencee) sử dụng công nghệ hay thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam (licensor) để tạo ra các công nghệ khác hoặc sản phẩm kém chất lượng khác thì điều này có thể làm giảm nghiêm trọng giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chắc chắn rằng hợp đồng cần được ký kết bởi tất cả bên tham gia.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp của bạn đang làm việc thông qua một đại diện, thì cần chắc chắn rằng người mua thực tế ký hợp đồng. Chữ ký của người đại diện không nhất thiết phải có, bởi vì không có chữ ký của người mua, không có bằng chứng bằng văn bản cho thấy người mua nợ bạn tiền. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, hợp đồng nên được kiểm tra và rà soát bởi một luật sư quen thuộc với thị trường xuất khẩu của Mỹ.