|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ: Nghiên cứu sơ bộ thị trường

09:23 | 30/12/2020
Chia sẻ
Doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu vào Mỹ cần trả lời rõ câu hỏi: Mỹ có phải là thị trường của doanh nghiệp bạn hay không? Để trả lời câu hỏi này các doanh nghiệp cần có bước nghiên cứu sơ bộ thị trường.

Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, nghiên cứu thị trường hay bị các doanh nghiệp Việt Nam xem nhẹ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhưng để thành công thì bước đầu tiên, doanh nghiệp nên tìm hiểu xem trên thực tế nhu cầu của thị trường/người tiêu dùng tại Mỹ đối với mặt hàng doanh nghiệp đang cung cấp. 

Việc nghiên cứu thị trường sơ bộ giúp doanh nghiệp quyết định có nên đầu tư thâm nhập thị trường hay không, và nếu quyết định đầu tư thì có thể xây dựng các bước tiến hành phù hợp và tập trung cao vào các khâu nào.

Một trong những cách hiệu quả để bắt đầu nghiên cứu thị trường là xem xét kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam về loại hàng hóa mà doanh nghiệp của mình sản xuất vào thị trường Mỹ; xác định kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với mặt hàng này; lượng sản xuất của Mỹ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; giá bán lẻ, giá nhập cảng.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp ước tính quy mô thị trường Mỹ cho (các) sản phẩm cụ thể của doanh nghiệp. 

Thương vụ lưu ý rằng, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường về các nhóm mặt hàng cụ thể của doanh nghiệp, số liệu có thể được tìm thấy tại các cơ quan nhà nước Việt Nam như Tổng cục thống kê, Tổng cục hải quan, các bộ quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Việt Nam chỉ có thể cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và số lượng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Do đó, để có một bức tranh tổng thể về thị trường nhập khẩu của Mỹ về loại hàng hóa mà doanh nghiệp bạn đang muốn xuất khẩu, doanh nghiệp cần nghiên cứu nguồn số liệu thống kê của Mỹ.

Thương vụ cho biết, có nhiều nguồn tra cứu miễn phí số liệu như trang web của Bộ Thương mại Mỹ DoC, Cục phân tích kinh tế, Cục thống kê Mỹ. Ngoài các số liệu về nhập khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu lượng sản xuất của Mỹ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, để có thể truy xuất thông tin trực tuyến và tra cứu chính xác số liệu, các doanh nghiệp cần xác định được mã HS (Harmonized System code) sản phẩm của mình. Đây là một hệ thống mã hóa và mô tả quốc tế cho hàng hóa và thuế quan của hầu hết các quốc gia.

Trước khi có thể xuất sản phẩm của mình, doanh nghiệp sẽ phải xác định mã Hệ thống hài hòa (mã HS - Harmonized System code) áp dụng cho sản phẩm đó. Hệ thống hài hòa là một hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa quốc tế. Hầu hết quốc gia đều dựa trên biểu thuế đó.

Doanh nghiệp sẽ cần mã HS chính xác tại biên giới Mỹ, nơi cơ quan hải quan sẽ sử dụng mã đó để xác định các loại thuế, phí và các quy định áp dụng cho lô hàng của doanh nghiệp bạn.

Có thể xem phiên bản Mỹ của cấu trúc HS hoạt động như thế nào bằng cách truy cập Trung tâm Thông tin Thuế quan trên trang web của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ tại:

https://hts.usitc.gov/current

Thương mại quốc tế cũng dựa vào hệ thống mã hóa này để định mức thuế và xây dựng số liệu xuất nhập khẩu. (Xem Hệ thống mã hóa hàng hóa HS).

Những thống kê này vẫn có thể không nói lên toàn bộ bức tranh về thị trường. Ví dụ, hàng hóa có thể được ghi nhận chính thức là hàng nhập khẩu vào một nước, nhưng thực sự lại được tái xuất cho một quốc gia khác.

Bởi vậy, nếu không thực hiện nghiên cứu của mình, doanh nghiệp có thể sẽ định hướng sai thị trường.

Mặt khác, có những mặt hàng Việt Nam chưa xuất vào Mỹ nhiều, và Mỹ cũng chưa nhập nhiều, nhưng như đã nói ở phần mở đầu, do tính đa dạng của thị trường cả về chủng tộc, văn hóa, những mặt hàng chưa có mặt trên thị trường Mỹ cũng có thể là một cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập vào thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét mức thuế nhập khẩu của mặt hàng muốn xuất khẩu vào Mỹ, so sánh mức thuế mà Mỹ áp dụng với các đối thủ cạnh tranh tại các nước khác để ước tính sơ bộ khả năng cạnh tranh và thâm nhập Mỹ đối với các sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Mỹ là thành viên tổ chức thương mại thế giới WTO, đồng thời ký kết 20 FTA với các nước gồm Australia, Bahrain, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Dominican Republic, El Salvador, Guatemala, Honduras, Israel, Jordan, Korea, Mexico, Morocco, Nicaragua, Oman, Panama, Peru, Singapore, USMCA.

Các nước khác nhau có thể có các mức thuế nhập khẩu khác nhau, phụ thuộc vào các Hiệp định thương mại song phương hoặc Hiệp định thương mại tự do mà Mỹ ký kết với các nước đó.

Một điều cần lưu tâm đến là chi phí, phương thức và thời gian vận chuyển hàng hóa. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu về giá của sản phẩm, một số sản phẩm đặc biệt như hoa quả tươi hay đồ thực phẩm tươi sống thì thời gian vận chuyển sẽ còn ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Tất cả yếu tố này cần được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, so sánh các lợi thế của các đối thủ cạnh tranh từ các thị trường khác để dự đoán khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp mình.

Ví dụ, hoa quả của Việt Nam chắc chắn chi phí vận chuyển sẽ cao hơn rất nhiều hoa quả tương tự từ Mexico hoặc các nước Mỹ La tinh, Mexico lại được hưởng các ưu đãi về thuế từ hiệp định thương mại tự do USMCA ký kết với Mỹ và Canada.

Ánh Dương