|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup công nghệ giáo dục Topica tham vọng lấp đầy khoảng trống nhân lực giỏi ở Đông Nam Á

07:27 | 18/10/2019
Chia sẻ
Cho đến nay có khoảng 1,5 triệu học sinh tại Việt Nam và Thái Lan, huy động thành công 50 triệu USD vào năm ngoái và cung cấp 3.000 khóa học trực tuyến nhắm mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn của người trẻ trước thời đại kĩ thuật số, Topica là một trong những startup hàng đầu trong lĩnh vực "công nghệ giáo dục" khu vực Đông Nam Á.

Hành trình khởi nghiệp của nhà sáng lập Topica

"Chúng tôi muốn giúp nhiều bạn trẻ đạt triển vọng nghề nghiệp tốt hơn", nhà sáng lập kiêm CEO Phạm Minh Tuấn phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review tại Singapore.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng, hiện nay, mọi thứ xảy ra rất nhanh nên giới trẻ cần trang bị những kĩ năng mà bản thân có thể sử dụng trong tương lai.

Hệ thống khóa học của Topica khá đa dạng, trải dài từ các khía cạnh cơ bản như Microsoft Excel đến tiếp thị truyền thông xã hội và lập trình máy tính nâng cao, với chi phí mỗi khóa học dao động từ 10 đến 30 USD (tương đương 200.000 - 700.000 đồng).

Theo Nikkei Asian Review, các khóa học kéo dài khoảng 10 - 20 giờ và chủ yếu nhắm đến những người trẻ tuổi, đang đi làm ở độ tuổi 20 - 35.

small

Ông Phạm Minh Tuấn, giám đốc điều hành Topica. Ảnh: Edumall


Trước khi tham gia vào lĩnh vực công nghệ giáo dục, CEO Phạm Minh Tuấn (44 tuổi) từng dành khoảng 10 năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Ông có bằng tiến sĩ về quản lí thông tin từ một trường đại học ở Hungary và làm cố vấn tại McKinsey & Co.

Khi trở về Việt Nam vào năm 2002, ông Phạm Minh Tuấn đã nghĩ đến việc tung ra một nền tảng thương mại điện tử hoặc kinh doanh trực tuyến nhưng gặp trở ngại. 

"Tôi khám phá một số ý tưởng khởi nghiệp nhưng luôn thiếu nhân lực hoặc lao động lành nghề", ông nói. "Do vậy, tôi bắt đầu tính đến hướng giải quyết vấn đề này".

Con đường khởi nghiệp của ông Tuấn chính thức bắt đầu năm 2008 với việc thành lập Topica. Ban đầu, công ty chủ yếu cung cấp các khóa học trực tuyến thông qua hợp tác với 16 trường đại học trong và ngoài nước. Hơn 6.000 học viên đã hoàn thành nhiều bằng cấp nhờ hệ thống chương trình của Topica.

Tuy nhiên, công ty dần chuyển trọng tâm sang các khóa học trực tuyến ngắn hạn sau khi nhận thấy cơ hội lớn trong hoạt động đào tạo thanh thiếu niên thiếu kĩ năng làm việc ở Việt Nam.

Topica ra mắt dịch vụ Edumall vào giữa những năm 2010. Đây là một thị trường trực tuyến bán khóa học qua video ở Thái Lan và Việt Nam.

Giá trị nào khiến Topica hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư?

Tình trạng thiếu hụt nhân lực giỏi ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở các ngành công nghệ kĩ thuật số, bắt nguồn từ nhiều lí do, chẳng hạn như hệ thống giáo dục kém hoàn thiện và ít cơ hội đào tạo nhân sự mới.

Một báo cáo do Google và Temasek (Singapore) công bố gần đây nêu bật lên tình trạng thiếu hụt nhân lực giỏi trong khu vực, cản trợ nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế kĩ thuật số của khối ASEAN.

"Chính phủ, doanh nghiệp và các cá nhân đang cố gắng lấp đầy khoảng trống nhưng khu vực Đông Nam Á hiện còn thiếu rất nhiều kĩ sư và chúng ta cần phải giải quyết vấn đề", ông Rohit Sipahimalani, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Temasek, cho hay. "Tuy nhiên, xử lí khó khăn không phải việc dễ".

Topica

Tổng số vốn mà Topica nhận đã đạt 65 triệu USD. Ảnh: Topica

Tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam tương đối cao, khi Việt Nam xếp thứ 8 toàn cầu trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế năm 2015. Tuy nhiên, khi đề cập đến cơ hội học tập và rèn luyện lâu dài, môi trường ở đây khá hạn chế.

"Bạn phải đến các trung tâm luyện thi có rất ít khóa học và phải chờ đợi trước khi đến lớp", ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ.

Từ góc độ nhà đầu tư, trở ngại ấy lại khiến các doanh nghiệp như Topica hấp dẫn hơn. Các startup công nghệ giáo dục ở Đông Nam Á và Ấn Độ đã huy động thành công 1,3 tỉ USD vào năm 2018, gấp hơn ba lần năm 2017, theo nền tảng Crunchbase.

Thành công bước đầu của Topica ở thị trường Đông Nam Á

Năm ngoái, Topica đã huy động 50 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân Northstar (Singapore), đưa công ty trở thành một trong những startup hàng đầu Việt Nam.

Mặc dù từ chối tiết lộ định giá của công ty, ông Tuấn cho hay tổng số vốn vào Topica đã đạt 65 triệu USD.

Topica là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ giáo dục ở Đông Nam Á, bà Lana Dương, Phó Chủ tịch Openspace Ventures (Singapore), một trong các nhà đầu tư của Topica, nhận định.

"10 năm qua, Topica đã tích lũy nhiều kinh nghiệm ở khía cạnh phát triển sản phẩm, công nghệ, doanh số, marketing, chăm sóc khách hàng và đang vận hành một nền tảng công nghệ giáo dục với qui mô hàng triệu người dùng", bà Dương nói.

Bà Lana Dương còn lưu ý, với khoảng 1.500 nhân sự, Topica đã trở thành một trong những nền tảng đào tạo nhân tài đáng nể nhất trong "làng" công nghệ Việt Nam. Theo Nikkei, nhiều nhân sự chủ chốt từng làm việc ở Topica đang điều hành các startup công nghệ triển vọng của Việt Nam.

Topica đang nhắm đến các thị trường Đông Nam Á và Đông Á khác, nơi dân số tiếp tục phình to và nền giáo dục lạc hậu. Startup công nghệ giáo dục còn đang lên kế hoạch xây dựng khóa học cho trẻ em.

Đương nhiên, Topica cũng không thoát khỏi cảnh cạnh tranh khắc nghiệt. Trả lời Nikkei, ông Gervasius Samosir - đối tác của công ty tư vấn YCP Solidiance (Đài Loan), nói các công ty có trụ sở tại Mỹ như Coursera đang chiếm ưu thế trên thị trường khóa học trực tuyến ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, các doanh nghiệp địa phương cũng đã bắt đầu mở rộng trong lĩnh vực giáo dục, ông Samosir nói thêm.

"Gần đây, các công ty cung cấp khóa học trực tuyến [tương tự Topica] đã chuyển sang mô hình tự học, tức là học viên có thể đăng kí khóa học bất cứ lúc nào và người dùng có thể tự học theo tốc độ của riêng họ", ông này cho hay.

CEO Phạm Minh Tuấn khẳng định ông không lo ngại về sự cạnh tranh trên thị trường, vì Topica cung cấp đa dạng các khóa học, khác biệt hoàn toàn so với đối thủ.

"Nhiều nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện và mọi người đang nhảy việc khá nhiều. Chúng tôi sẽ trang bị cho họ bất kì kĩ năng nào họ cần, ở mọi thời điểm".

Yên Khê