|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Chuyển giao bắt buộc ngân hàng có tiền tươi thóc thật mới hiệu quả'

07:42 | 12/04/2025
Chia sẻ
Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ hiệu quả khi có nguồn tiền thật, nếu không, chỉ là giải pháp tình thế "mua thời gian" như trước đây, theo chuyên gia.

Vừa qua, 4 ngân hàng yếu kém được chuyển giao bắt buộc cho 4 ngân hàng thương mại. Trong đó, Vietcombank nhận CBBank, đổi tên thành ngân hàng số VCBNeo. HDBank nhận DongABank, chuyển thành ngân hàng số Vikki Bank. MB nhận chuyển giao Oceanbank, đổi thành ngân hàng số MBV. Còn GPBank chuyển giao về VPBank.

Ngoài ra, SCB là ngân hàng yếu kém còn lại hiện chưa có phương án xử lý và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.

Tại hội thảo tái cơ cấu ngân hàng do Báo Tiền phong tổ chức ngày 11/4, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá động thái chuyển đổi thành ngân hàng số cho thấy giá trị thương hiệu không còn.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa cấp phép cho ngân hàng số 100%, giá trị của các ngân hàng yếu kém này nằm ở giấy phép. Các đơn vị nhận chuyển giao có thể tận dụng giấy phép này để triển khai ngân hàng số, với điều kiện cơ quan quản lý thực sự quyết tâm và tạo điều kiện trong tương lai.

Các nhà băng nhận chuyển giao, theo ông Thành, trên thực tế, xem đây là "nhiệm vụ chính trị. Thay vào đó, họ được nhận khoản cho vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp. Cùng với các cơ chế ưu đãi khác, họ có lợi thế tăng trưởng nhanh trong tương lai, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn để bù đắp thiệt hại tại các nhà băng yếu kém.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ tại hội thảo 11/4. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Cách tiếp cận với 4 ngân hàng chuyển giao bắt buộc gần đây, ông Thành cho rằng không khác biệt so với cách xử lý các ngân hàng yếu kém trong 15 năm qua. Khác với nhiều nước, Việt Nam muốn giải quyết các ngân hàng yếu kém nhưng không muốn dùng tới ngân sách.

Vì thế cách làm trong 15 năm qua của chúng ta là dùng giải pháp "mua thời gian". Sau thời gian dài, các ngân hàng khác trên thị trường tăng trưởng nhanh, khiến cho quy mô của các ngân hàng yếu kém trở nên nhỏ đi tương đối.

Trong khi đó, ông nói các bài học chính sách trong tái cơ cấu ngân hàng thương mại là Ngân hàng trung ương phải đóng vai trò "người cho vay cuối cùng", để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống.

"Tái cơ cấu phải dùng nguồn tiền thật, có thể từ nhà nước hoặc từ nhà đầu tư mới. Đồng thời, tái cơ cấu phải đi cùng với thay đổi cấu trúc sở hữu theo hướng giảm sở hữu chéo", ông Thành chia sẻ.

Cùng góc nhìn, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi, đánh giá việc "chuyển giao bắt buộc" với 4 ngân hàng gần đây, về bản chất không khác biệt so với việc "Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng" từ cách đây hàng chục năm.

Theo ông, nhà quản lý cần hết sức hạn chế và thận trọng trong việc này, để tránh mất thêm quá nhiều thời gian tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém mà khó lường hiệu quả.

Việc "chuyển giao bắt buộc" theo ông Đức chỉ là giải pháp tình thế. Còn trong định hướng 5 năm, 10 năm, 20 năm, nhà quản lý nên tính tới các giải pháp khác như hợp nhất, sáp nhập, hay cần "tái cổ phần hoá" để tồn tại và phát triển hay giải thể, phá sản.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính, bất động sản toàn cầu, cũng bày tỏ lo ngại vấn đề minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc tài chính khi số liệu tài chính của các ngân hàng yếu kém không được hợp nhất vào đơn vị nhận chuyển nhượng.

Trong khi đó, các ngân hàng nhận chuyển nhượng cũng không phải chịu trách nhiệm với ngân hàng nhận chuyển giao. Do đó, theo ông, không loại trừ nguy cơ các ngân hàng mẹ có thể "đẩy" các khoản tài sản xấu về ngân hàng con, gây ra nhiều hệ luỵ.

Chia sẻ về những băn khoăn trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Ban Dự án chiến lược Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) - một trong 4 đơn vị nhận chuyển giao bắt buộc - nói tái cơ cấu ngân hàng là một trong những giải pháp đã được cân đo đong đếm rất nhiều từ các bộ, ban, ngành nhằm đưa ra để phù hợp từng giai đoạn.

Để thực hiện chuyển giao bắt buộc, tất cả ngân hàng tham gia đều có phương án cụ thể như tình hình tài chính, trách nhiệm của các bên tham gia, mức độ an toàn cho người gửi tiền. Tất cả phương án nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là để ngân hàng hoạt động bình thường, dựa trên phê duyệt theo đúng quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Trong quá trình tham gia, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban, ngành có cân nhắc đến việc giải thể ngân hàng nhưng dựa trên yếu tố nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội, cho nên đã lựa chọn phương án tối ưu là tái cấu trúc ngân hàng.

Quỳnh Trang