|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn tại Đông Nam Á đạt hơn 16 tỷ USD trong năm 2022

14:37 | 17/01/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo của Momentum Works, Grab là đơn vị dẫn đầu về tổng giá trị hàng hóa được giao dịch (GMV) với mảng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến tại Đông Nam Á trong năm qua. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Foodpanda, Gojek và Shopee.

Trong năm 2022, các khoản chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn tại khu vực Đông Nam Á đạt mức 16,3 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước, theo một báo cáo do Momentum Works công bố được Tech in Asia tổng hợp.

Theo Tech in Asia, đây là lần đầu tiên sau ba năm, mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á được thúc đẩy chủ yếu đến từ các thị trường giao đồ ăn nhỏ hơn, cụ thể là Philippines, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, ba thị trường lớn hơn, gồm Singapore, Indonesia và Thái Lan, đều ghi nhận sự sụt giảm về tổng giá trị hàng hóa được giao dịch (GMV) trong năm qua.

Trong số các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á, Grab chiếm 54% thị phần, tương đương khoảng 8,8 tỷ USD, GMV giao đồ ăn của Đông Nam Á vào năm 2022, đạt mức tăng trưởng 16% so với năm 2021.

Trong khi đó, Foodpanda đóng góp 19% vào tổng GMV của lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á trong năm 2022. Còn lại, hai đơn vị là Gojek và Shopee duy trì mức tương đương năm 2021, lần lượt là 2 tỷ USD và 0,9 tỷ USD.

Grab dẫn đầu về GMV mảng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến tại Đông Nam Á trong năm 2022. (Ảnh: Tech in Asia).

Nhìn chung, báo cáo cho thấy các công ty hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn tại thị trường Đông Nam Á đang bắt đầu ưu tiên lợi nhuận thay vì đốt tiền để mở rộng quy mô, một xu hướng chung đối với startup trong năm qua.

“Những công ty hoạt động trong lĩnh vực giao hàng đang thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để cải thiện tỷ suất lợi nhuận đối với mảng kinh doanh giao hàng và củng cố lòng trung thành của người tiêu dùng thông qua quảng cáo, chương trình đăng ký,…

Chúng tôi tin rằng các công ty có thể đạt được lợi nhuận với khối lượng, mật độ và hiệu quả hoạt động tương xứng”, Giám đốc điều hành Momentum Works Jianggan Li cho biết trong một tuyên bố.

Bên cạnh đó, lãnh đạo của Momentum Works cũng đã nhấn mạnh một số xu hướng khác đối với lĩnh vực giao hàng trực tuyến tại thị trường Đông Nam Á, một trong những nền kinh tế internet mới nổi hàng đầu thế giới hiện nay.

Cụ thể, lãnh đạo Momentum Works cho biết các công ty hoạt động trong lĩnh vực giao hàng trực tuyến tại Đông Nam Á đã xoay trục, rút khỏi các thị trường không sinh lời cũng như đóng một số mô hình kinh doanh tốn nhiều chi phí mà không đem lại hiệu quả tương xứng, chẳng hạn như dark stores (một thuật ngữ chỉ các cửa hàng lớn, nhưng chỉ bán online chứ không đón khách trực tiếp) hay dark kitchen (bếp trung tâm – một thuật ngữ chỉ nhà hàng “ảo”, chỉ phục vụ đồ ăn theo hình thức giao nhận và hoạt động hoàn toàn dựa vào sự hợp tác với bên thứ ba hoặc dịch vụ đặt hàng trực tuyến).

Theo Momentum Works, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023, với các kế hoạch của Shopee trong việc tập trung vào thương mại điện tử và khả năng DeliveryHero rút lui khỏi một số thị trường Đông Nam Á.

Ngoài ra, những doanh nghiệp đang hoạt động đã và đang tạo ra các sản phẩm quảng cáo để thu hút đầu tư của người bán và đa dạng hóa nguồn doanh thu. Về phía người tiêu dùng, các công ty cũng đang xem xét các mô hình đăng ký để tăng đơn đặt hàng với quy mô giỏ hàng lớn hơn.

Anh Nguyễn