Người bán hàng trên nền tảng giao đồ ăn online trầy trật tìm cách hoàn thành nghĩa vụ thuế
Lần thứ 4 nhận thông báo truy thu thuế từ cơ quan thuế, anh Trần Văn Tiến - một người kinh doanh ngành hàng ăn uống tại TP HCM mới tá hỏa với khoản truy thu thuế lẫn tiền phạt vì nộp thuế chậm lên tới hơn 130 triệu đồng sau ba năm kinh doanh trên các nền tảng giao nhận đồ ăn.
"Khoảng 4-5 tháng này, tôi nhận được thông báo mà tưởng buôn bán nhỏ lẻ nên không lên [cơ quan thuế]. Khoảng 10 ngày trước hạn nộp, tôi lên làm việc thì một đống 'nợ' rớt xuống", anh Tiến chia sẻ. Không chỉ dừng lại ở đó, anh Tiến sẽ phải xoay sở đủ tiền trong vài ngày để hoàn tất nghĩa vụ thuế trước hạn, nếu không sẽ bị quy vào tội trốn thuế và mức phạt sẽ tăng lên nhiều lần.
"Truy thu thuế một cục như vậy, tôi lấy tiền đâu ra để đóng", vị chủ tiệm nói. Sở hữu 4 mặt bằng kinh doanh tại TP HCM nhưng chỉ sau ba năm đại dịch, 90% lượng khách của anh Tiến lại đến từ các nền tảng online.
Ông chủ này nói rằng sau khi trừ các chi phí cho nền tảng, quảng cáo... mức lãi mà anh Tiến nhận về chỉ độ khoảng 10% doanh thu và chưa tính thuế. Anh Tiến cho biết sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế, sẽ đóng dần mảng kinh doanh dịch vụ ăn uống do không kham nổi chi phí.
"Khuyến mãi nhiều mới có đơn, mà bắt đóng thuế hết cho phần chiếu khấu và khuyến mãi thì kham không nổi. Bán tại chỗ thì không đủ chi phí mặt bằng, phải nhờ nền tảng online hỗ trợ, mà giờ thêm vụ này [truy thu thuế] thì dẹp đi cho khỏe", anh Tiến nói.
Theo anh Tiến, cơ quan thuế yêu cầu con số thống kê doanh thu từ các nền tảng. Tuy nhiên, phần doanh thu này chưa trừ đi các chi phí trên nền tảng, khác với số tiền doanh thu thực tế được chuyển về tài khoản của người bán hàng. Điều này phần nào dẫn tới quyết định ngừng kinh doanh của anh Tiến.
"Tiền về tài khoản là đã trừ chiết khấu 25% và tiền khuyến mại, nên quán mình thực nhận chỉ tầm 50-70%, tùy vào việc quán có ít hay nhiều khuyến mại", người chủ tiệm nói.
Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/10, nêu rõ sàn thương mại điện tử (TMĐT) không phải nộp thuế thay người bán, mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Nghị định 91 quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.
Trái ngược với anh Tiến, chị Minh Phương - một người kinh doanh ngành hàng ăn uống khác trên nền tảng giao đồ ăn lại tự giác hoàn tất nghĩa vụ thuế để tránh bị phạt do bị quy vào tội trốn thuế. Song, hành trình nộp thuế của chị Phương không hề dễ dàng.
"Tôi tự nguyện lên xin đóng thuế vì sợ sẽ bị phạt này phạt kia. Thực tế đã có rất nhiều cửa hàng bị phạt từ 11-15 triệu vì chậm nộp thuế nên tôi đã phải tự chủ động đi trước. Nhưng, cơ quan thuế cho biết chưa có dữ liệu của cửa hàng nên bảo tôi về và chờ khi nào có số liệu thì gọi lên đóng", chị Phương chia sẻ sau nhiều ngày làm việc với cơ quan thuế.
Vấn đề của chị Phương không chỉ là ngồi đợi cơ quan thuế gọi. Chị Phương đang muốn hoàn tất nghĩa vụ thuế cho năm 2022 nhưng việc chờ đợi sẽ khiến người kinh doanh này bị phạt vì kê khai và đóng thuế chậm, bởi lẽ thời điểm chuyển giao sang năm 2023 đã gần kề.
"Nếu tôi chờ qua năm 2023 mới đóng cho năm 2022 thì lại thành bị phạt vì đóng chậm và kê khai chậm, vậy là kiểu gì cũng sẽ phạt. Tôi được tư vấn là đóng thuế khoán cho năm 2023. Tiền thuế sẽ tính dựa theo năm 2022 và thu 4,5% doanh thu. Nhưng tôi chưa đóng vì có nhiều cửa hàng nói là thuế khoán chỉ được đóng khi không xác định được doanh thu, còn tôi bán trên app thì doanh thu được trên app 'đổ về' cho thuế. Doanh thu được xác định thực tế thì không đóng thuế khoán được. Vì thế, tôi vẫn chưa có hướng đóng thuế phù hợp", chị Phương nói.
Chị Phương bán hàng trên 6 nền tảng giao đồ ăn từ khoảng ba năm trước. Doanh thu trong năm 2020 và 2021 của chị Phương đều dưới 100 triệu đồng/năm nên không bị truy thu thuế. Đến năm 2022, con số đó vượt qua 100 triệu đồng và chị Phương đã chủ động làm thủ tục nộp thuế.
Như đã nêu, chị Phương muốn tránh bị phạt nhưng phía cơ quan thuế chưa đưa ra phương án phù hợp. "Mỗi nơi nói một kiểu, thu một kiểu. Thật sự người bán hàng đứng giữa như tôi cũng không biết phải đóng như thế nào mới là đúng nữa", chị Phương chia sẻ.
Người bán hàng này cho biết chị sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan thuế để giải quyết cho năm 2022. Bên cạnh đó, chị Phương đang tiếp tục theo dõi các điều chỉnh từ chính sách thuế cho người kinh doanh thương mại điện tử để có thể hoàn tất nghĩa vụ thuế trong năm 2023.
"Giờ đóng thuế khoán cũng không được mà đóng theo doanh thu cũng không được. Tới họ [cơ quan thuế] cũng chưa thể xác định được cách thức đóng thuế cho thương mại điện tử nên chắc tôi có lẽ phải chờ thêm", chị Phương chia sẻ thêm.