|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Amazon dần trở thành kênh bán hàng online của nhiều tiểu thương Việt Nam

14:55 | 15/12/2021
Chia sẻ
Sếp Amazon Việt Nam thừa nhận Việt Nam là thị trường có tiềm năng rộng mở.
Amazon phủ nhận chính sách cạnh tranh thiếu công bằng, chọn Việt Nam là thị trường đáng để mở rộng - Ảnh 1.

Amazon hiện tại là một trong những sàn TMĐT lớn nhất thế giới. (Ảnh; Nikkei).

Amazon không ưu tiên các nhà bán hàng sử dụng dịch vụ giao hàng của Amazon, giám đốc Amazon tại Việt Nam chia sẻ với Nikkei. Việt Nam hiện là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở mảng kinh doanh nhà bán hàng bên thứ 3.

Động thái nói trên được Amazon đưa ra trong bối cảnh nhiều cơ quan quản lý cạnh tranh nói rằng các nhà bán hàng có thể được hưởng nhiều ưu đãi nhất định, ví dụ như khả năng xuất hiện cao hơn trên trang tìm kiếm nếu dùng dịch vụ giao nhận Fulfillment by Amazon (FBA) thay cho các phương án logistics khác.

"Giao hàng không phải yếu tố quyết định, có rất nhiều yếu tố khác", Gijae Seong, giám đốc Amazon Global Selling tại Việt Nam, chia sẻ. Ông nói thêm rằng xếp hạng kết quả tìm kiếm có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mức độ liên quan của hàng hoá, mức độ phổ biến của hàng hoá, đánh giá hàng hoá và một số tiêu chí khác.

"Mọi thứ không liên quan đến FBA, nó liên quan đến những gì bạn đang cung cấp tới cho khách hàng", ông Seong chia sẻ với truyền thông. Mới đây, cơ quan chống độc quyền Mỹ đã phạt Amazon vì có các hoạt động thúc đẩy dịch vụ FBA một cách thiếu công bằng. Amazon sẽ cho biết sẽ kháng cáo lại quyết định này.

Ở Việt Nam, Amazon và Alibaba đang hợp tác sâu với nhiều cơ quan chức năng để tìm kiếm các đơn vị kinh doanh xuất khẩu hàng hoá trên các sàn TMĐT của mình. Hiện tại, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu. Vì thế, nhiều "ông lớn" TMĐT đang xem đây là "miền đất hứa" để có được nhiều doanh nghuiệp xuất khẩu trực tuyến hơn.

Chiến lược tăng trưởng của Amazon cho năm 2022 bao gồm giới thiệu dịch vụ xử lý hàng hoá của mình tới các nhà bán hàng Việt Nam đồng thời cung cấp các hoạt động đào tạo, ông Seong chia sẻ.

Amazon cho biết tăng trưởng ở Việt Nam cao hơn so với các thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Dù vậy, Amazon từ chối chia sẻ cụ thể các thông tin liên quan đến doanh số bán hàng hay số lượng doanh nghiệp gia nhập.

Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam từ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tăng 48% trong 8 tháng đầu năm. Các mắt hàng bán chạy nhất từ Việt Nam bao gồm mặt hàng nhà ở, nhà bếp, dệt may, sức khoẻ và chăm sóc cá nhân.

Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, Amazon chưa có website địa phương dành cho người dùng Việt Nam. Công ty công nghệ này thâm nhập thị trường TMĐT Đông Nam Á bằng cách ra mắt website amazon.sg vào năm 2019, nhưng "hiện chưa có lộ trình rõ ràng" về thời điểm khi nào nó sẽ mở rộng ra bên ngoài Singapore, theo ông Seong.

Trong khi đó, Alibaba đã có hoạt động tại Việt Nam với Lazada. Amazon và Alibaba cũng cạnh tranh với nhau ở mảng dịch vụ điện toán đám mây.

Thái Sơn