Lấy cảm hứng từ Amazon tới WeChat, liệu Tiki có làm nên chuyện khi IPO trên đất Mỹ?
Tiki có thể trở thành startup công nghệ Việt Nam đầu tiên bước chân vào thị trường đại chúng nước ngoài. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO và người sáng lập Tiki, xác nhận với Tech in Asia rằng công ty thương mại điện tử này đặt mục tiêu IPO sớm hơn mốc 2025 như dự định ban đầu.
Mới đây, Tiki công bố vòng gọi vốn Series E với quy mô 258 triệu USD cùng định giá công ty tiệm cận mốc 1 tỷ USD.
Bloomberg nhận định rằng Tiki đang hướng đến mục tiêu IPO tại Mỹ, một mục tiêu hiếm có với một công ty Việt Nam. Trước đây, VNG từng ký biên bản ghi nhớ để niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) song thương vụ này đến nay vẫn chưa được hiện thực hoá.
Hồi tháng 5, Tiki thành lập một pháp nhân Singapore có tên Tiki Global Pte Ltd sở hữu hơn 90% công ty tại Việt Nam. Dù vậy, việc niêm yết tại thị trường Mỹ nói riêng hay nước ngoài nói chung không phải một nhiệm vụ dễ dàng.
Tương tự sàn thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia, Tiki hiện đang tập trung hoàn toàn vào thị trường nội địa. Liệu điều này có là đủ để duy trì sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư? Thực tế, cổ phiếu của Bukalapak không thăng hoa mặc dù công ty này được tán dương khi là startup "kỳ lân" công nghệ đầu tiên của Indonesia thực hiện IPO thành công.
Lấy cảm hứng từ Jeff Bezos của Amazon, ông Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập Tiki vào năm 2010 trong vai trò một nhà bán sách trực tuyến. Tiki là viết tắt của "tìm kiếm" và "tiết kiệm". Tên gọi này thể hiện tầm nhìn ban đầu là mang đến cho người dùng địa phương một trải nghiệm mua sắm tốt hơn và phải chăng hơn.
"Theo chân" Amazon, Tiki dần mở rộng ra bên ngoài mảng sách. Hiện tại, công ty có trụ sở tại TP HCM này đang kinh doanh hơn 30 ngành hàng khác nhau và mới đây nói rằng nó đã có khoảng 20 triệu người dùng đăng ký.
Hành trình tương tự Amazon này của Tiki có hai ý nghĩa: giao hàng nhanh và "ám ảnh" với trải nghiệm khách hàng. TikiNow, dịch vụ logistics của Tiki, hiện có khả năng giao hàng trong 2 giờ đối với một số mặt hàng, tương tự dịch vụ Amazon Prime. Tiki Trading là mảng bán lẻ đảm bảo nguồn gốc của hàng hoá, tương tự như các sản phẩm được chính Amazon phân phối.
Để có thể giao hàng nhanh như Amazon và Coupang (Hàn Quốc), Tiki rót nhiều vốn vào hạ tầng logistics toàn diện. Hiện tại, Tiki đang có hơn 20 trung tâm xử lý hàng hoá và nhà kho. Đến năm 2020, Tiki cũng ra mắt TikiNGON, dịch vụ giao đồ tươi sống, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nền đến Việt Nam.
Năm ngoái, đợt sáp nhập được chờ đón giữa Tiki và Sendo thất bại sau nhiều tháng đàm phán. Nhiều nhà quan sát trong ngành nhận định Tiki và Sendo "là hai công ty với khả năng có thể bổ sung cho nhau" và từ đó trở thành một mối đe doạ thực sự với các sàn thương mại điện tử ngoại như Shopee hay Lazada.
Tiềm năng kết hợp của Sendo và Tiki là rõ rệt bởi trong khi Tiki tập trung vào phục vụ các thành phố lớn thì Sendo lại có khả năng tiếp cận đến các khách hàng ở các tỉnh, thành nhỏ hơn. Dù vậy, thương vụ Sendo và Tiki đổ bể vì cổ đông hai bên không tìm được tiếng nói chung, theo DealStreetAsia. Đợt sáp nhập hụt của Tiki đã để các đối thủ ngoại có cơ hội vượt lên.
"Khi có đợt sáp nhập hoặc một đợt cố gắng sáp nhập, doanh nghiệp thường có xu hướng giảm tốc độ", ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành Infocus Mekong Research, nói. "Tiki có thể đang dành sự tập trung cho một thứ khác", ông nhận định.
Khi COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Tiki không đầu tư nhiều vào các sự kiện siêu mua sắm như 8/8, 9/9 hay 10/10 như Shopee hay Lazada, theo một chuyên gia đã quan sát mảng thương mại điện tử Việt Nam trong nhiều năm.
Tiki chủ yếu tập trung vào thu hút khách hàng thành thị thu nhập cao. Nhóm khách hàng này sẵn sàng trả phí cao hơn cho dịch vụ giao hàng nhanh hơn và hàng hoá đảm bảo nguồn gốc. Dù vậy, Tiki có xu hướng đánh giá chưa hết tiềm năng và sức mua của nhóm khách hàng "Gen Z". Một chuyên gia nói rằng đây là nhóm khách hàng dù có các đơn hàng giá trị trung bình thấp hơn nhưng thường xuyên dùng các thiết bị công nghệ và có thói quen mua sắm "bốc đồng" hơn.
"Khách hàng Gen Z bị thu hút bởi nội dung và các trò chơi, đây là hai lĩnh vực mà tôi cho rằng Tiki đang đi sau Shopee và Lazada ở Việt Nam", ông chia sẻ.
Sau khi thống trị mảng mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, Shopee đang dùng chiến thuật "trò chơi hoá" (gamification) để chinh phục thêm nhiều thị trường toàn cầu. Trong khi đó, Lazada đã thấy những dấu hiệu phục hồi, ít nhất là ở Việt Nam.
Hồi tháng 5, Alibaba, công ty mẹ của Lazada, đồng dẫn dắt khoản đầu tư 400 triệu USD vào tập đoàn Masan của Việt Nam. Hợp tác này sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Lazada và VinMart, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc Masan quản lý.
Khi công bố vòng gọi vốn Series E, ông Trần Ngọc Thái Sơn nói rằng Tiki muốn việc mua bảo hiểm dễ như mua sách.
Từ bán sách đến bán bảo hiểm, tham vọng mới của Tiki có "trụ đỡ" là hợp tác 10 năm với công ty bảo hiểm AIA. Công ty này rót 60 triệu USD vốn đầu tư vào Tiki trong vòng Series E. Qua đó, AIA sẽ trở thành đối tác bảo hiểm độc quyền của Tiki.
Từ tháng này, người dùng ở Việt Nam có thể mua bảo hiểm AIA qua Tiki. Trong tương lai, khách hàng sẽ có thể quản lý tài khoản bảo hiểm và đòi bồi thường bảo hiểm trên Tiki.
"Việt Nam là một phép thử phù hợp của AIA vì độ phủ của Tiki trên các kênh số sẽ giúp tiếp cận với thị trường bảo hiểm nhanh hơn so với mạng lưới nhân sự con người", ông Jeffrey Seah, một đối tác của Quest Ventures, chia sẻ.
Mặc dù khách hàng Việt Nam vẫn hoài nghi khi mua bảo hiểm trực tuyến, ông Seah cho biết sự thay đổi quan điểm "chỉ còn là vấn đề thời gian". Trong khi đó, quy mô thị trường còn nhiều tiềm năng để khai thác. Tech in Asia nói rằng chỉ khoảng 11% dân số Việt Nam hiện có bảo hiểm nhân thọ.
Tiki không chỉ theo đuổi "miếng bánh" bảo hiểm. Trên Tiki, người dùng còn có thể đầu tư thông qua Infinia. Mặc dù Tiki có vẻ đang theo đuổi chiến lược "siêu ứng dụng", ông Trần Ngọc Thái Sơn phủ nhận điều này.
"Tiki giống một hệ thống hạ tầng mở, nơi startup và doanh nghiệp có thể xây dựng bất kỳ thứ gì họ thấy hữu ích cho cộng đồng khách hàng và nhà bán hàng mà gần như không cần phải xin phép chúng tôi", ông nói. Chiến lược của Tiki giống với chiến lược của WeChat với chương trình "miniapp" (các ứng dụng nhỏ, phụ trong hệ sinh thái WeChat).
"Điều này cho phép Tiki tăng trưởng nhanh hơn nhưng cũng có khả năng thất bại vì nhồi nhét quá nhiều tính năng hoặc phụ thuộc vào đối tác để quảg bá dịch vụ mới", một chuyên gia nói với Tech in Asia. "Phần lớn khách hàng nhớ đến Tiki như một sàn thương mại điện tử, không phải một nền tảng cho mọi thứ", ông nhấn mạnh.
Liệu số vốn mới kêu gọi được và chiến lược nền tảng mở của Tiki có giúp nó chiến đấu lại được đối thủ lớn nhất là Shopee?
Trong một phân tích trước đây, Tech in Asia cho biết Tokopedia (Indonesia) là sàn thương mại điện tử địa phương duy nhất mà Shopee chưa thể đánh bại ở Đông Nam Á.
Một trong những lý do Tokopedia có thể làm điều này là mô hình bán hàng C2C mà nó theo đuổi ngay từ đầu. Tiki, trong khi đó, theo đuổi mô hình B2C.
Các công ty thương mại điện tử đầu tiên của Indonesia tập trung quá nhiều mảng mảng B2C. Điều này đồng nghĩa với việc mua hàng từ các nhà bán buôn và bán lại cho khách hàng. Mặc dù các sàn thương mại điện tử như Blibli hay JD.com vẫn đang theo đuổi mô hình này, quy mô của chúng nhỏ hơn khá nhiều so với Shopee hay Tokopedia.
Câu chuyện này cũng có thể đúng với Tiki. Tiki giới thiệu mô hình C2C bên cạnh mảng kinh doanh lõi B2C vào giữa năm 2017, khoảng một năm sau khi Shopee chính thức gia nhập Việt Nam và bắt đầu tuyển dụng các nhà bán hàng bên thứ 3 mạnh mẽ. Dù là "ông lớn" thương mại điện tử vào Việt Nam muộn nhất trong số "Big 4" (Lazada, Tiki, Shopee và Sendo), Shopee vẫn đang có vị thế ở Việt Nam nhờ chiến lược chiết khấu sâu và trợ giá cho cả người bán và người mua.
Ở Việt Nam, Shopee nhắm đến đối tượng khách hàng nữ giới và "tự nhận" mình là nơi mua hàng giá rẻ. Theo đuổi mô hình đặt trải nghiệm khách hàng lên đầu tiên của Amazon hay JD "đi kèm với gánh bặng về quản lý hàng, nhà kho", ông Jerome Ly, CEO và đồng sáng lập Savyu, một nền tảng marketing thương mại điện tử, nói. Dù vậy, ông cho rằng biên lợi nhuận của mô hình này lại cao hơn.
Trong khi đó, mô hình C2C của Taobao (Alibaba) tập trung vào đơn giản hoá quá trình bán hàng của nhà bán hàng. "Mô hình này có thể không cần nhiều đầu tư nhưng cần đẩy mạnh phát triển nền tảng và khả năng thực thi", ông nói thêm và thừa nhận rằng các sàn thương mại điện tử lớn hiện không còn có thể chỉ sử dụng một mô hình.
Điều này đúng với ngay cả Amazon. Phần lớn doanh thu của Amazon hiện đến từ các nhà bán hàng bên thứ 3. Các nhà phân tích nói rằng mảng này có thể mang về 300 tỷ USD GMV cho Amazon trong tổng GMV 490 tỷ USD trong năm 2020, theo Forbes.
Hiện chưa rõ liệu Tiki có chuyển hướng tập trung sang các nhà bán lẻ bên thứ ba như Amazon hay không. Liên quan đến tầm nhìn 10 năm tới, ông Trần Ngọc Thái Sơn nhấn mạnh giá trị cốt lõi mà Tiki muốn mang đến cho khách hàng là giao hàng nhanh hơn ở mức giá tốt hơn.
Khi được hỏi liệu Tiki có muốn tham gia vào quá trình số hoá các cửa hàng nhỏ như cách Bukalapak đã làm ở Indonesia không, ông Trần Ngọc Thái Sơn nói rằng Tiki "đang quan sát kỹ sự sẵn sàng của thị trường này".
Ông Trần Ngọc Thái Sơn chia sẻ rằng Tiki chưa quyết định sẽ IPO theo cách truyền thống hay qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC). "Chúng tôi sẽ dùng cách tốt nhất", ông nói.
Về lợi nhuận, ông chia sẻ: "Chúng tôi tin vẫn còn nhiều điều để xây dựng và cung cấp cho nền kinh tế số cũng như nền kinh tế đang tăng trưởng nói chung của Việt Nam trong 5 năm tới".
IPO ở nước ngoài là điều có ý nghĩa với Tiki vì Việt Nam hiện chỉ cho phép các công ty có lãi trong ít nhất 3 năm được thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dù chưa có lãi, Tiki có lẽ vẫn là một trong những công ty công nghệ địa phương có vị thế tốt nhất khi niêm yết tại nước ngoài. Hiện tại, Tiki nhận được đầu tư của nhiều tên tuổi trên thế giới như JD.com, Northstar Group, Sumitomo Corporation, Taiwan Mobile, Stic Investments, UBS AG, và Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund. Tuy nhiên, sự phức tạp về pháp lý khi niêm yết ở nước ngoài cũng là một vấn đề Tiki cần tính đến.