|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

C2C (Consumer to Consumer) là gì? Định nghĩa và ví dụ

11:06 | 08/08/2019
Chia sẻ
C2C (Consumer To Consumer) là giao dịch thương mại trực tuyến giữa những người tiêu dùng thông qua một bên thứ ba. Thị trường C2C được dự đoán sẽ phát triển trong tương lai vì hiệu quả chi phí mà nó mang lại.
Untitled-1

Hình minh họa.

C2C - Consumer To Consumer (Người tiêu dùng - Người tiêu dùng)

Định nghĩa

C2C là viết tắt của cụm từ Consumer To Consumer trong tiếng Anh. 

C2C là một mô hình kinh doanh, theo đó người tiêu dùng có thể giao dịch với nhau, thông thường trong môi trường trực tuyến. Đây là giao dịch thương mại trực tuyến giữa những người tiêu dùng thông qua một bên thứ ba, chẳng hạn một trang web làm trung gian đấu giá trực tuyến hay bán hàng trung gian.

C2C đại diện cho một thị trường nơi một khách hàng mua hàng hóa từ một khách hàng khác, sử dụng nền tảng bên thứ ba tạo ra để thuận lợi cho giao dịch. Các doanh nghiệp C2C là một loại mô hình mới xuất hiện cùng với công nghệ thương mại điện tử và nền kinh tế chia sẻ.

(Theo cách truyền thống, mọi người sẽ tham gia vào giao dịch C2C khi bán hoặc mua sản phẩm tại chợ trời, nơi mọi người bán đồ cũ, đồ cổ,... Người tiêu dùng cá nhân cũng có thể tương tác thương mại thông qua quảng cáo trên báo.) 

Đặc điểm

Khách hàng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh cho các sản phẩm và thường tìm thấy các mặt hàng khó tìm thấy ở nơi khác. Ngoài ra, tỉ suất lợi nhuận có thể cao hơn các phương pháp định giá truyền thống cho người bán vì không có nhà bán lẻ hoặc nhà bán buôn. 

Tuy nhiên, vấn đề C2C gặp phải là thiếu kiểm soát chất lượng và những đảm bảo trong khâu thanh toán. Trong một số trường hợp, có rất ít sự hỗ trợ cho các giao dịch thẻ tín dụng, mặc dù sự xuất hiện của Paypal và các hệ thống thanh toán khác trong những năm qua đã giúp đơn giản hóa các thanh toán trên nền tảng C2C.

Doanh thu và tăng trưởng của thị trường C2C

Các trang web C2C và các nền tảng tương tự kiếm tiền từ phí được tính cho người bán, thêm vào các tính năng quảng cáo và tạo điều kiện cho các giao dịch thẻ tín dụng. Các giao dịch C2C này thường liên quan đến các sản phẩm đã sử dụng được bán thông qua hệ thống phân loại hoặc đấu giá. 

Thị trường C2C được dự đoán sẽ phát triển trong tương lai vì hiệu quả chi phí của nó. Chi phí sử dụng của bên thứ ba đang giảm và số lượng sản phẩm được bán bởi người tiêu dùng đang tăng đều đặn. Các nhà bán lẻ coi nó là một mô hình kinh doanh thiết yếu vì sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội và các kênh trực tuyến khác. 

Các kênh này giới thiệu các sản phẩm cụ thể đã được sở hữu bởi người tiêu dùng và tăng nhu cầu, điều này thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến tăng lên trên các nền tảng C2C. (Theo Investopedia)

Ví dụ: eBay và Amazon.com là hai nhà cung cấp C2C nổi bật. eBay là một trang web đấu giá hàng đầu, nơi các cá nhân có thể đưa lên danh sách hàng hóa cho khách hàng đấu thầu. Amazon.com là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, trang web này hoạt động ở cả hai thị trường B2C và C2C, nghĩa là nó cho phép doanh nghiệp tiếp thị hàng hóa trực tiếp cho khách hàng và cho phép người dùng tự bán hàng hóa. 

Hầu hết các trang web sẽ cho phép khách hàng tự do mua bán. Tuy nhiên, người bán phải trả một khoản phí hoặc hoa hồng. Khoản phí lớn hay nhỏ sẽ phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc mà người bán yêu cầu.

Ở Việt Nam, Facebook, Shopee, Lazada, Sendo.vn, Tiki, Vatgia, enbac, chotot.vn, Zalora, Adayroi, Foody,... là những cái tên quen thuộc trong thị trường B2C và C2C. 

Phương Lâm