Trung Quốc phạt nặng cá nhân livestream bán hàng online trốn thuế, bắt đầu từ những người nổi tiếng
Những động thái gần đây của các nhà chức trách ở Hàng Châu, trung tâm thương mại điện tử phía đông của Trung Quốc, về việc phạt hai người livestream nổi tiếng vì tội trốn thuế đã làm chấn động ngành công nghiệp livestream nước này, theo South China Morning Post.
Zhu Chenhui, được biết đến với cái tên Xueli Cherie và Lin Shanshan là những người bị Cơ quan thuế Hàng Châu phạt tổng cộng hơn 90 triệu nhân dân tệ do không tuân thủ các quy định về thuế của Trung Quốc. Đây là hai cái tên nổi tiếng trong ngành công nghiệp livestream tại thị trường tỷ dân.
Theo các nguồn tin, chính phủ Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ các quy định về thuế đối với ngành công nghiệp này. Theo nền tảng rao vặt trực tuyến 58.com, livestream đã trở thành công việc được trả lương cao nhất đối với những sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc và là kênh tiếp thị quan trọng của nhiều thương hiệu trong nước cũng như nước ngoài.
"Trốn thuế là một tội rất phổ biến, không chỉ xuất hiện trong ngành công nghiệp livestream mà còn ở những có thu nhập lớn khác. Nếu bạn phải trả 10 triệu hoặc 100 triệu nhân dân tệ tiền thuế, bạn sẽ bắt đầu nghĩ về những cách khác nhau để trả thuế ít hơn", Wang Yang, luật sư tại Công ty Luật Yingke có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Theo ba luật sư được tờ South China Morning Post phỏng vấn, thiết lập các công ty sở hữu độc quyền để giảm thuế là một hình thức trốn thuế phổ biến được sử dụng trong các ngành giải trí và livestream của Trung Quốc.
Zhu hiện có hơn 15 triệu người theo dõi trên nền tảng Weibo, đã bị phạt vì chuyển 84,4 triệu nhân dân tệ tiền lương cá nhân (13 triệu USD) thành thu nhập cho nhiều công ty mà cô thành lập vào năm 2019 và 2020.
Nếu thành công, cô có thể trốn được việc phải nộp hơn 30 triệu nhân dân tệ tiền thuế, tương đương 4,7 triệu USD, theo một tuyên bố của cơ quan thuế ở Hàng Châu. Trong khi đó, Lin Shanshan có gần 10 triệu người theo dõi trên Weibo, đã sử dụng cách tương tự để trốn nộp 13,1 triệu nhân dân tệ ( 2 triệu USD) tiền thuế.
Theo Cui Yanshuang, một đối tác của công ty luật RICC & CO có trụ sở tại Thượng Hải, chính sách của Trung Quốc về việc đánh giá và đánh thuế thu nhập thường bị lạm dụng bởi những người livestream nổi tiếng và ngôi sao truyền hình để "lách luật", qua đó trốn nộp thuế.
Chính sách này ban đầu được thiết lập để các doanh nghiệp và cá nhân có thể nộp một khoản thuế nhất định đối với mức thu nhập cá nhân khi không có sổ sách kế toán rõ ràng. "Ở nhiều nơi, chính sách này đã trở thành một cách để mọi người trốn thuế", Cui Yanshuang chia sẻ.
Ngành công nghiệp livestream vào tầm ngắm
Chính quyền Bắc Kinh đang đẩy mạnh sự quan tâm tới tội phạm trốn thuế trong thời gian gần đây. Đầu năm, những tranh cãi xoay quanh vụ việc của nữ diễn viên Trịnh Sảng sau khi bạn trai cũ là Zhang Heng cáo buộc cô được trả 160 triệu nhân dân tệ khi tham gia một chương trình truyền hình, làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về sự bình đẳng tại Trung Quốc.
Sau một cuộc điều tra, tháng 8, Sở Thuế thành phố Thượng Hải thông báo rằng Trịnh Sảng đã bị phạt 299 triệu nhân dân tệ vì tội trốn thuế. Trong khi đó, bạn trai cũ Zhang Heng cũng bị phạt 32 triệu nhân dân tệ vì giúp đỡ nữ diễn viên thực hiện kế hoạch đó.
Theo một luật sư ở Thượng Hải, việc chính phủ thắt chặt các chính sách có thể khiến những người livestream nổi tiếng phải nộp thuế nhiều hơn. Đổi lại, những người nổi tiếng này có thể yêu cầu mức lương cao hơn. Đồng thời, vị luật sư này cho biết những trường hợp như Zhu và Lin là lời cảnh báo cho những chuẩn mực về thuế trong ngành công nghiệp livestream.
Đáng chú ý, chiến dịch truy quét những người trốn thuế trong lĩnh vực livestream cũng diễn ra cùng thời điểm các công ty công nghệ bị chính phủ nhắm đến. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thúc đẩy mục tiêu "thịnh vượng chung" nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo cũng như hướng tới một xã hội bình đẳng hơn.
Giống như những gì đã xảy ra với các ông lớn trong ngành công nghệ, những ngôi sao trong ngành công nghiệp livestream có thể là những đối tượng tiếp theo lọt vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh.
Một số cái tên nổi tiếng hàng đầu thị trường tỷ dân có thể kể đến như Austin Li Jiaqi, được mọi người biết đến với biệt danh "vua son môi", và "nữ hoàng livestream" Viya Huang Wei. Tháng 10, hai cái tên đình đám này đã bán được lượng hàng hóa trị giá gần 2 tỷ USD trong 12 giờ. Đây cũng là thời điểm các công ty thương mại điện tử đẩy mạnh chiến dịch bán hàng cho mùa lễ hội mua sắm Ngày Độc Thân (11/11).
Tuy nhiên, đối với những cái tên kém nổi tiếng hơn, họ dường như không chịu nhiều tác động khi các chính sách bị thắt chặt. Một người livestream bán hàng có tên Zheng, sống tại thành phố Nghĩa Ô, Chiết Giang cho biết:
"Tôi nghĩ rằng việc trốn thuế chỉ diễn ra với những cá nhân đã xây dựng được tên tuổi, có sự nổi tiếng nhất định. Tuy nhiên đối với những người bán hàng livestream bình thường như chúng tôi, không có lý do gì để làm điều đó".