|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn hóa thị trường bốc hơi hàng tỷ USD trong một thời gian ngắn: Đây là những vấn đề đau đầu mà giới công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt

09:07 | 27/11/2021
Chia sẻ
Mặc dù Trung Quốc gần đây đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng thị trường công nghệ nước này đã trải qua một năm đầy biến động, với nhiều vấn đề mới xuất hiện.

Lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc đã có những sự thay đổi lớn trong năm qua. Khi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt quy định, giá trị vốn hóa thị trường các công ty cũng bốc hơi hàng tỷ USD. Đây là một trong những chủ đề được quan tâm tại sự kiện East Tech West hàng năm của CNBC được tổ chức tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.

Dưới đây là những mối quan tâm hàng đầu về lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc hiện nay.

Sự thắt chặt quy định của chính phủ

Tháng 11/2020, cả thế giới bất ngờ khi đợt IPO kỷ lục của gã khổng lồ ngành fintech là Ant Group đã bị hoãn vô thời hạn. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đưa ra một loạt các quy định mới, từ chống độc quyền trên các nền tảng internet cho đến củng cố bảo mật dữ liệu. Ngay cả những gã khổng lồ như Alibaba hay Meituan cũng phải đối mặt với án phạt chống độc quyền.

Điều đó đã gây ra áp lực đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn, giá cổ phiếu Alibaba đã giảm 41% trong năm nay. Một số câu hỏi xung quanh vấn đề này cũng xuất hiện, ví dụ: Liệu Trung Quốc có đưa ra những quy định mới hơn? Những công ty nào sẽ rơi vào tầm ngắm? Việc thắt chặt quy định có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc?,…

Chất bán dẫn

Cuộc chiến ngành công nghệ liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc càng thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong nhiều lĩnh vực. Một trong số đó là chất bán dẫn, thứ rất quan trọng đối với hầu hết sản phẩm, từ ô tô đến điện thoại di động.

Dù vậy, Trung Quốc đang phải vật lộn để bắt kịp Mỹ và các quốc gia khác do sự phức tạp của chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vốn bị chi phối bởi các công ty nước ngoài.

Một ví dụ điển hình là lĩnh vực sản xuất chip. SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, đã đi sau TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc vài năm. SMIC thực tế không thể sản xuất các loại chip tiên tiến nhất, cần thiết cho những sản phẩm điện thoại thông minh hàng đầu.

Các công ty nước ngoài chiếm ưu thế trong việc sở hữu những công cụ và thiết bị tiên tiến nhất cần thiết để sản xuất chip cao cấp. Trong khi đó, những biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến Trung Quốc gặp khó trong việc tiếp cận một số công cụ đó, dẫn đến các công ty tại thị trường tỷ dân không thể tiếp cận.

Câu hỏi làm thế nào để Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước vốn đang đối mặt với những khó khăn đang tạo cuộc tranh luận lớn.

Vấn đề nổi cộm cần giải quyết với thị trường công nghệ Trung Quốc: Từ chất bán dẫn, xe điện tới trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ - Ảnh 1.

Tự sản xuất chất bán dẫn trở thành chủ đề được bàn luận nhiều tại Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Công nghệ tiên phong

Ngành công nghiệp bán dẫn chỉ là một trong số nhiều ngành mà Trung Quốc đang cố gắng nâng cao năng lực tự sản xuất.

Trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 được công bố vào đầu năm nay, Bắc Kinh cho biết họ sẽ coi "sự tự cường và tự cải thiện khoa học công nghệ là trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia".

Kế hoạch đã xác định các lĩnh vực mà Bắc Kinh coi là "công nghệ tiên phong", gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và du hành vũ trụ. Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong lĩnh vực du hành vũ trụ, bao gồm việc phóng trạm vũ trụ riêng. Ngoài ra, họ có tham vọng đưa phi hành đoàn đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2033. Khi nói đến trí tuệ nhân tạo, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từ Baidu đến Tencent đều đang đẩy mạnh đầu tư.

Xe điện

Một lĩnh vực khác mà Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển, cũng như là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư biết rõ – xe điện. Phát triển ngành công nghiệp xe điện chính là bước đi của chính phủ Trung Quốc trong việc đạt mức trung tính carbon vào năm 2060.

Vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ phát triển phương tiện chạy bằng năng lượng mới thông qua các gói hỗ trợ cùng các chính sách thuận lợi khác. Điều đó dẫn đến việc hàng chục nghìn công ty đã tham gia vào ngành công nghiệp này, mặc dù nhiều công ty trước đây thậm chí chưa từng có kinh nghiệm sản xuất ô tô.

Vấn đề nổi cộm cần giải quyết với thị trường công nghệ Trung Quốc: Từ chất bán dẫn, xe điện tới trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ - Ảnh 2.

Trung Quốc là thị trường xe điện số một thế giới. (Ảnh: Bloomberg).

Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, khoảng 1,1 triệu chiếc xe điện đã được bán ra trong nửa đầu năm nay tại Trung Quốc, con số gần bằng cả năm 2020. Điều này giúp Trung Quốc trở thành thị trường xe điện số một thế giới.

Sự phát triển đó đã thu hút rất nhiều công ty công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia. Ví dụ, Xiaomi, hãng điện thoại thông minh nổi tiếng, dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt xe điện của vào nửa đầu năm 2024, trong khi gã khổng lồ Baidu đã thiết lập liên doanh ô tô điện với nhà sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc suy thoái

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện đang phải đối phó với một vấn đề mới, nền kinh tế suy thoái.

Một số yếu tố bao gồm tình trạng thiếu điện và nỗ lực kiểm soát các khoản vay nợ trong lĩnh vực bất động sản đã làm tăng thêm những thách thức khác cho nền kinh tế số một thế giới.

Giám đốc chiến lược của Tencent, ông James Mitchell hy vọng các công ty sẽ duy trì mức giá "mềm" trong vài quý tới do những thách thức và quy định vĩ mô ảnh hưởng đến một số lĩnh khác nhau.

Quốc Anh