Qui tắc tài khoá (Fiscal rules) là gì? Phân loại
Qui tắc tài khoá
Khái niệm
Qui tắc tài khoá trong tiếng Anh được gọi là Fiscal rules.
Theo nghĩa rộng qui tắc tài khóa là các cơ chế thể chế nhằm kiềm chế tính tùy nghi của chính sách tài khóa.
Yêu cầu khi thiết kế
Việc thiết kế các qui tắc tài khóa phải tính tới tình hình thể chế quản lí tài chính công và khả năng thực hiện hiệu quả các qui tắc liên quan.
Nói cách khác, các cải cách quản lí tài chính công phù hợp có thể tạo điều kiện cho việc thiết kế tốt các qui tắc tài khóa. Có thể nói một cách ngắn gọn là các khía cạnh quản lí tài chính công và thiết kế cần phải bổ trợ lẫn nhau.
Phân loại
Các qui tắc tài khóa có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có một điểm khác biệt quan trọng giữa các qui tắc định lượng và các qui tắc hình thức.
- Các qui tắc hình thức xác định các thuộc tính và tương tác giữa các bên tham gia vào qui trình ngân sách với mục tiêu tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả của quản lí tài khóa.
Ví dụ, theo các qui tắc này, chính phủ có thể được yêu cầu phải tuyên bố và cam kết thực hiện một chiến lược chính sách tài khóa trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời báo cáo và công bố các kết quả tài khóa định kì.
Mặt khác, các qui tắc tài khóa định lượng có thể được hiểu là các cam kết lâu dài nhằm đạt được các mục tiêu định lượng đề ra cho một số số liệu ngân sách tổng thể chính.
Các qui tắc hình thức có thể là công cụ để nâng cao công tác quản lí tài khóa. Các qui tắc này có thể giúp qui trình ngân sách mang tính "thứ bậc" hơn bằng cách trao quyền lực cho những chủ thể đảm bảo thực hiện chính sách tài khóa đúng đắn; làm rõ những điểm yếu kém trong khuôn khổ tài khóa; và tăng cường tính trách nhiệm giải trình đối với xã hội.
Ở khâu dự toán ngân sách, các qui tắc "mang tính thứ bậc" là những qui tắc trao nhiều quyền lực cho bộ trưởng tài chính hơn là các bộ chi tiêu; ở khâu phê chuẩn, chúng hạn chế quyền điều chỉnh qui mô đề xuất ngân sách của cơ quan lập pháp; và ở khâu chấp hành, chúng hạn chế quyền sửa đổi ngân sách đã được thông qua của cơ quan lập pháp.
Do đó, bên cạnh việc nâng cao khả năng quản trị và tính minh bạch, các qui tắc hình thức có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được sự đồng thuận về các cải cách tài khóa.
- Các qui tắc tài khóa định lượng có thể được chia thành bốn nhóm chính:
+ Các qui tắc về cán cân ngân sách
Các qui tắc này có thể được áp dụng cho cán cân tài khóa không điều chỉnh hoặc cán cân (cơ cấu) được điều chỉnh theo chu kì.
Chúng có thể được xác định cho cán cân tổng thể (bao gồm tất cả các khoản thu và chi tiêu tài khóa), cán cân ngân sách cơ bản (không bao gồm chi trả lãi) hoặc cán cân vãng lai (không bao gồm chi đầu tư, được gọi là các qui tắc vàng).
+ Các qui tắc về nợ hay các qui tắc bù đắp
Các qui tắc về nợ thông thường được qui định như là mức giới hạn trần hệ số nợ trên GDP, thể hiện dưới dạng số tổng hoặc số ròng. Các qui tắc này cũng có thể đặt ra những giới hạn về vay mượn, ví dụ như trong vấn đề ngân hàng trung ương phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ.
+ Các qui tắc chi tiêu
Các qui tắc này định mức giới hạn trần cho tổng chi tiêu công hoặc một số hạng mục chi công cụ thể. Chúng thường được áp đặt cho mức độ, tỉ lệ tăng trưởng hoặc tỉ lệ phần trăm GDP.
+ Các qui tắc thu
Các qui tắc này có thể được dùng để định mức giới hạn trần nhằm tránh hiện tượng gánh nặng thuế khóa quá mức hoặc giới hạn sàn để khuyến khích thu.
(Tài liệu tham khảo: Kĩ năng giám sát tài chính công theo qui tắc tài khoá, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử)