Qui tắc đánh dấu lên (Uptick rule) là gì? Hiểu về Qui tắc đánh dấu lên
Qui tắc đánh dấu lên (Uptick rule)
Khái niệm
Qui tắc đánh dấu lên trong tiếng Anh là Uptick rule, hay còn có tên gọi khác là "Plus tick rule" - Qui tắc đánh dấu cộng.
Qui tắc đánh dấu lên là qui tắc được thiết lập bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đòi hỏi việc bán khống phải được thực hiện với giá cao hơn giao dịch trước đó.
Các nhà đầu tư tham gia bán khống khi họ dự đoán giá chứng khoán sẽ giảm. Chiến thuật liên quan đến việc mua cao và bán thấp. Mặc dù bán khống có thể cải thiện thanh khoản thị trường và hiệu quả định giá, nhưng nó cũng có thể được sử dụng không đúng cách làm cho giảm giá chứng khoán hoặc đẩy nhanh sự suy giảm của thị trường.
Hiểu về Qui tắc đánh dấu lên
Qui tắc đánh dấu lên là một qui tắc giao dịch chứng khoán được sử dụng để quản lí giao dịch bán khống trên thị trường tài chính. Qui tắc này yêu cầu mọi giao dịch bán khống phải được thực hiện ở một mức giá cao hơn giá của phiên giao dịch trước đó.
Qui tắc này đã được đưa ra trong Luật sàn giao dịch 1934 điểm 10a-1. Qui tắc này ngăn ngừa các nhà giao dịch bán khống thêm vào đà xuống giá khi giá của một tài sản đã xác lập xu hướng giảm rõ ràng.
SEC đã đưa ra một quyết định gây tranh cãi là xóa bỏ qui tắc này vào tháng 6/2007 sau khi phân tích của họ chỉ ra rằng qui tắc đánh dấu ít có khả năng ngăn ngừa việc thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho rằng "nếu qui tắc này vẫn còn áp dụng, rất có thể sẽ có tác dụng ngăn chặn khủng hoảng xảy ra trên thị trường".
Các qui định pháp lí đầu tiên về hoạt động bán khống chứng khoán ở Hồng Kông được đưa ra vào năm 1994. Theo qui định này, 17 loại chứng khoán có thể được thực hiện bán khống và một giao dịch bán khống sẽ được thực hiện ở mức giá thấp hơn mức giá đặt bán (gọi là qui định "tick rule"). Qui định này được sửa đổi vào năm 1996 với một số lượng lớn chứng khoán chỉ định tăng lên và bãi bỏ qui định "tick rule". "Tick rule" lại được áp dụng lại vào 7/9/1998 vì những thay đổi của tình hình thị trường.
Các qui định pháp lí hiện tại áp dụng ở Hồng Kông có thể tóm gọn ở 4 đặc điểm chính là:
+ Bán khống vô căn cứ bị cấm hoàn toàn, do đó các đối tượng tham gia giao dịch bán khống phải thu xếp đi mượn chứng khoán trước khi thực hiện giao dịch.
+ Giao dịch bán khống sẽ bị giới hạn đối với một số chứng khoán được Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông (SEHK) cho phép thực hiện.
+ Để phân biệt một giao dịch bán khống dễ dàng, SEHK yêu cầu các đối tượng thực hiện bán khống trên sàn giao dịch phải đánh dấu trên mỗi một phiếu đặt lệnh bán khống mỗi khi nộp phiếu lệnh cho SEHK.
+ Theo qui tắc đánh dấu lên (uptick rule), giao dịch bán khống không được thực hiện ở mức giá thấp hơn mức giá đặt bán tốt nhất (the best ask price) mà SEHK đưa ra. Mục đích của việc đưa ra qui định này của SEHK là nhằm ngăn chặn việc bán khống gây ra một hiệu ứng bất thường lên giá thị trường.
Tại thị trường châu Âu, kể từ ngày 1/11/2012, theo Qui định số 236/2012 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 14/3/2012, cổ phiếu niêm yết tại các sàn chứng khoán của 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) buộc phải minh bạch thông tin về thị trường niêm yết, lượng bán khống.
Nếu lượng bán khống từ 0,2% đến 0,4% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty thì thông tin cần được báo cáo cho cơ quan quản lí, còn nếu trên 0,5% thì thông tin cần được báo cáo cho cơ quan quản lí đồng thời với việc công khai trên thị trường.
Riêng đối với bán khống trái phiếu chính phủ EU, qui định về bán khống chia làm hai mức. Nếu tổng giá trị trái phiếu phát hành dưới 500 tỉ euro, khi bán khống 0,1% trở lên sẽ phải công bố thông tin, còn nếu trên 500 tỉ euro, khi bán khống 0,5% trở lên mới phải công bố thông tin.
Đặc biệt, theo qui định này, EU sẽ cấm bán khống vô căn cứ, cấm bán khống trong các trường hợp: đe dọa hoạt động và tính toàn vẹn của thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định của một phần hay toàn bộ hệ thống tài chính EU, các cách thức bán khống không theo qui định pháp luật của EU. Giới đầu tư và giao dịch, quản lí tài sản tài chính ở đây phản đối gay gắt những qui định này vì họ cho rằng chúng có thể làm xáo trộn và thậm chí làm giảm tính thanh khoản trên thị trường.
(Tài liệu tham khảo: investopedia.com, ssc.gov.vn)