Quản trị vấn đề (Issue management) là gì? Mục tiêu và lợi ích
Hình minh họa. Nguồn: LucidChart
Quản trị vấn đề
Khái niệm
Quản trị vấn đề trong tiếng Anh là Issue Management.
Các vấn đề thường nảy sinh trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các đối tượng hữu quan của mình. Vấn đề là điểm cần giải quyết hoặc đang tranh cãi do khác nhau về quan điểm trong quản trị doanh nghiệp hoặc sự khác nhau trong kì vọng của các đối tượng hữu quan.
Quản trị vấn đề là một qui trình mang tính hệ thống trong đó doanh nghiệp có thể xác định, đánh giá và từ đó phản ứng với các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khái niệm này cho thấy các nhà quản trị có thể quản trị các vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt. Khái niệm này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng lên đến các đối tượng hữu quan để đạt được mục tiêu mình mong muốn, mà đây là một qui trình quản trị mà doanh nghiệp có sử dụng để phản ứng với các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường nổi lên.
Mục tiêu của quản trị vấn đề
Mục tiêu của quản trị vấn đề là giảm thiểu những bất ngờ liên quan đến các sự kiện hoặc xu hướng trong xã hội, được sử dụng như là một hệ thống cảnh báo sớm của doanh nghiệp, giúp nhà quản trị tiếp cận một cách hệ thống phương thức giải quyết các vấn đề hiện tại, cũng như lường trước các vấn đề có thể gặp phải trong tương lai để chủ động thay đổi trước.
Lợi ích của việc quản trị vấn đề
Có nhiều lợi ích khác nhau từ việc sử dụng quản trị vấn đề:
- Doanh nghiệp giữ được lợi thế cạnh tranh trước đối thủ cạnh tranh
- Hành vi doanh nghiệp sẽ phù hợp với mong đợi của xã hội
- Doanh nghiệp ít có khả năng mắc lỗi về đạo đức và xã hội hơn
- Giúp doanh nghiệp phát hiện vấn đề sớm hơn và có được các giải pháp phù hợp sớm hơn, có thể ngay khi vấn đề mới chỉ manh nha xuất hiện
- Khả năng đổ vỡ của doanh nghiệp giảm xuống và danh tiếng tăng lên
Qui trình quản trị vấn đề
Qui trình quản trị vấn đề thường bao gồm 6 bước:
1. Xác định vấn đề: bước này có thể sử dụng nhiều cách thức khác nhau như dự báo xã hội, nghiên cứu tương lai, rà soát môi trường và rà soát các vấn đề công chúng.
2. Phân tích vấn đề: các vấn đề được miêu tả, đánh giá trong báo cáo viết, để từ đó các nhà quản trị có sự đồng thuận về vấn đề cần quản lí.
3. Xếp hạng hoặc xếp thứ tự ưu tiên các vấn đề: xác định tầm quan trọng của các vấn đề cần quản trị
4. Chuẩn bị phản ứng: ở bước ngày quan trọng là phải đưa ra các lựa chọn giải pháp.
5. Áp dụng phản ứng đối với vấn đề: kế hoạch cụ thể được đưa ra để tiến hành áp dụng.
6. Kiểm soát và đánh giá phản ứng vấn đề: tình trạng của vấn đề cũng như tình trạng của việc áp dụng phản ứng phải được xem xét một cách định kì.
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)