Đối tượng hữu quan (Stakeholders) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: ShutterStock
Đối tượng hữu quan
Khái niệm
Đối tượng hữu quan trong tiếng Anh là stakeholders.
Đối tượng hữu quan là một cá nhân hoặc nhóm cá nhân có thể gây ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi các hành động của doanh nghiệp. Về cơ bản, đối tượng hữu quan là khái niệm chỉ những bên mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm.
Các nhà quản trị cần phải xác định đầy đủ các đối tượng hữu quan với hai lí do chính:
(1) Để có được nguồn lực cần thiết, doanh nghiệp cần phải nhận ra các nhóm kiểm soát các nguồn lực hiếm;
(2) Sự hỗ trợ của các nhóm hữu quan giúp doanh nghiệp giữ danh tiếng và thương hiệu của mình trong chính cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Mối quan hệ doanh nghiệp và đối tượng hữu quan
Mỗi đối tượng hữu quan đều có kì vọng của mình, ví dụ như khách hàng mong muốn sản phẩm chất lượng tốt và giá cả hợp lí, người lao động mong muốn mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương thị trường, điều kiện làm việc tốt, môi trường an toàn, sạch sẽ,...
Các doanh nghiệp cần phải hiểu được những ưu tiên và kì vọng của các nhóm hữu quan khác nhau và không chỉ quan tâm đến duy nhất lợi ích của chủ sở hữu mà phải ứng xử phù hợp với niềm tin và giá trị của các bên hữu quan của doanh nghiệp.
Tính phức tạp của kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ của doanh nghiệp và các đối tượng hữu quan của mình. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ các hoạt động của mình ảnh hưởng đến mức độ nào đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để có được các mối quan hệ tích cực, từ đó mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
Danh sách các đối tượng hữu quan
Mô hình đối tượng hữu quan
Bước đầu tiên đối với nhà quản trị là xác định được các đối tượng hữu quan có thể gây ảnh hưởng đến hoặc bị ảnh hưởng bởi hoạt động của doanh nghiệp mình. Sau đây là danh sách các đối tượng hữu quan đối với phần lớn các doanh nghiệp.
Có hai cách xếp loại chính đối với đối tượng hữu quan:
Cách thứ nhất, theo mức độ tương tác của doanh nghiệp đối với xã hội, đối tượng hữu quan được chia thành đối tượng hữu quan chính và đối tượng hữu quan thứ cấp:
- Các đối tượng hữu quan chính thường bao gồm nhân viên, cổ đông, bên cho vay, nhà cung ứng, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, các nhà phân phối bán buôn và bán lẻ.
- Các đối tượng hữu quan thứ cấp thường bao gồm cộng đồng địa phương, chính phủ, các tổ chức hiệp hội và công chúng nói chung.
Cái khó trong việc phân loại này là tùy vào thời điểm mà mức độ tham gia và mức độ gây ảnh hưởng của các đối tượng là khác nhau. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp lại có ưu tiên riêng của mình. Chính vì thế phân loại này có thể thay đổi theo hoàn cảnh và ưu tiên của doanh nghiệp.
Theo cách khác, các bên hữu quan được nhóm theo tiêu chí bên trong và bên ngoài doanh nghiệp
- Các bên hữu quan bên ngoài bao gồm chủ sở hữu, các tổ chức bảo vệ người lao động, công chúng.
- Các bên hữu quan bên trong có thể bao gồm nhân viên, ban giám đốc của doanh nghiệp.
Có hai quan điểm trái chiều chính về khái niệm đối tượng hữu quan:
Thứ nhất, danh sách các đối tượng hữu quan là rất lớn và khác nhau và các đối tượng hữu quan thường có các mục tiêu có thể đối lập nhau, chính vì thế không thể có sự đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng cũng như số lượng của đối tượng hữu quan.
Thứ hai, việc đáp ứng được kì vọng của tất cả các đối tượng hữu quan là nhiệm vụ bất khả thi. Doanh nghiệp không biết được kì vọng cụ thể của từng đối tượng hữu quan, trừ cổ đông.
Một chủ đề liên quan chặt chẽ với cách tiếp cận đối tượng hữu quan là quản trị vấn đề, trong đó bao gồm việc xác định các vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt cũng như các phản ứng của doanh nghiệp đối với các vấn đề đó.
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)