|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quan hệ Bắc - Nam (North - South relations) là gì?

10:12 | 18/10/2019
Chia sẻ
Quan hệ Bắc - Nam (tiếng Anh: North - South relations) là thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa các nước công nghiệp phát triển, giàu có nằm tập trung ở Bắc bán cầu với các nước nghèo, đang phát triển chủ yếu nằm ở Nam bán cầu.
quan hệ bắc nam

Nguồn: Vectorstock

Quan hệ Bắc - Nam 

Khái niệm

Quan hệ Bắc - Nam trong tiếng Anh là North - South relations.

Quan hệ Bắc - Nam là thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa các nước công nghiệp phát triển, giàu có nằm tập trung ở Bắc bán cầu với các nước nghèo, đang phát triển chủ yếu nằm ở Nam bán cầu. 

Mối quan hệ này trở thành vấn đề của quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi các nước phương Nam giành được độc lập, thoát khỏi chế độ cai trị thực dân của các nước phương Bắc.

Quá trình hình thành quan hệ Bắc - Nam

Khi mới thành lập vào năm 1945, Liên Hiệp Quốc chỉ có 51 quốc gia thành viên. Đến năm 2004, con số này tăng lên 192. Các quốc gia thành viên mới này chủ yếu đến từ các quốc gia mới độc lập ở Châu Á và Châu Phi. Sau khi giành được độc lập, các nước phương Nam tham gia vào quan hệ quốc tế với tư cách các quốc gia chủ quyền độc lập và nhận thấy mình ở vị trí bất lợi, đặc biệt là trong các mối quan hệ về kinh tế. 

Chính vì vậy họ đã đấu tranh với các nước phương Bắc trong việc thiết lập lại các quy tắc, chuẩn mực của quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Những quy tắc, chuẩn mực trong các vấn đề này trước đây hoàn toàn do các nước đế quốc, các cường quốc thực dân đưa ra và áp đặt lên các nước thuộc địa, phụ thuộc. 

Các nước mới giành được độc lập này tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, nhằm đấu tranh đưa ra các điều kiện mới trong quan hệ kinh tế quốc tế, cũng như liên kết với nhau để đấu tranh cho các quyền lợi về chính trị của mình.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nước phương Bắc bắt đầu cung cấp viện trợ và đầu tư cho các nước đang phát triển phương Nam, tuy nhiên con số này rất hạn chế. Các nước phương Nam cũng có vai trò hạn chế trong việc định hình các chính sách thương mại quốc tế. 

Năm 1964, Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được thành lập. Qua hội nghị này các nước đang phát triển mới giành được độc lập đến từ Thế giới thứ ba đưa ra các yêu cầu cho việc thiết lập các điều khoản mới trong quan hệ thương mại thế giới. 

UNCTAD đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các biện pháp kinh tế nhằm bảo đảm giá cả của các hàng hóa sơ cấp và các biểu thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển ở mức có lợi cho họ. 

Trước thực tế khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo ngày càng gia tăng, năm 1968 Hội nghị cũng đã đưa ra yêu cầu các nước phát triển trích 1% tổng thu nhập quốc dân của họ để giúp đỡ các nước đang phát triển.

Năm 1974, tại một phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, một nhóm các nước Thế giới thứ ba đã đưa ra yêu cầu về một Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (New International Economic Order – NIEO). NIEO kêu gọi việc cải tổ lại hệ thống kinh tế quốc tế hiện tại nhằm gia tăng vị thế của các nước đang phát triển phương Nam trong mối quan hệ với các nước công nghiệp phát triển phương Bắc. 

Các yêu cầu bao gồm việc gia tăng sự kiểm soát của các nước đang phát triển đối với nguồn tài nguyên của mình, thúc đẩy công nghiệp hóa, gia tăng viện trợ phát triển, và giảm nợ. Đến những năm 1990, NIEO vẫn không được thực thi, vì gặp phải sự phản đối của các nước phương Bắc và thiếu sự nhất trí và ủng hội từ chính các nước đang phát triển.

Các vấn đề trong mối quan hệ Bắc - Nam

Trong các vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vấn đề quan hệ Bắc – Nam lại trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận. Sự thất bại của các vòng đàm phán như tại Seattle (1999), Doha (Qatar) (2001), hay Cancun (2003), xuất phát từ những mối quan tâm khác nhau và những bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển trong hàng loạt các vấn đề.

Lí thuyết của các nhà tự do và cấu trúc giải thích mối quan hệ kinh tế giữa các nước phương Bắc và phương Nam theo những cách khác nhau. Theo những nhà tự do, trong thương mại quốc tế, các nước giàu và nghèo sẽ cùng được hưởng lợi. Những nhà tự do cho rằng các mối quan hệ thương mại với các nước giàu sẽ cung cấp cho các nước nghèo vốn, công nghệ … 

Và các công ty đa quốc gia (MNCs) sẽ là công cụ để truyền tải các nguồn lực này. Trong khi đó những người theo chủ nghĩa cấu trúc cho rằng sự kém phát triển ở phương Nam có những nguyên nhân từ sự phát triển ở các nước ở phương Bắc. Mối quan hệ thương mại giữa phương Bắc và phương Nam theo những cách chỉ có lợi cho các nước phương Bắc và khiến các nước phương Nam bị phụ thuộc vào các nước phương Bắc. 

Đầu tư từ các công ty đa quốc gia chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, vì một hệ quả của việc này là bòn rút vốn khỏi các nước đang phát triển hơn là đầu tư vào các nước này. Do đó, các nước phương Bắc vẫn ở vị trí vùng lõi (core), và các nước phương Nam ở vị trí ngoại vi (periphery). Cả hệ thống hoạt động theo hướng có lợi cho vùng lõi.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)