Phụ thuộc lẫn nhau (Interdependence) trong quan hệ quốc tế là gì?
Phụ thuộc lẫn nhau
Khái niệm
Phụ thuộc lẫn nhau trong tiếng Anh là interdependence.
Sự phụ thuộc lẫn nhau là tình trạng của mối quan hệ giữa hai bên mà trong đó thiệt hại của việc cắt đứt quan hệ hay giảm bớt các trao đổi là tương đương nhau đối với mỗi bên. Còn theo Joseph Nye, sự phụ thuộc lẫn nhau đề cập đến tình trạng mà trong đó các tác nhân hay sự kiện trong các bộ phận khác nhau của hệ thống ảnh hưởng đến nhau.
Khái niệm "phụ thuộc lẫn nhau" bắt đầu được nghiên cứu từ đầu những năm 1970 khi xuất hiện ba thay đổi quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Thứ nhất, các quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực vấn đề, từ thương mại tới an ninh.
Thứ hai, năng lực của các nhà nước trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến nền kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu.
Và thứ ba, các quốc gia kết nối với nhau chặt chẽ hơn cũng khiến cho họ dễ bị tổn thương hơn đối với các sự kiện hay biến cố ở những nơi khác trên thế giới.
Các khía cạnh liên quan
Sự phụ thuộc lẫn nhau liên quan đến ba khía cạnh quan trọng, đó là sự nhạy cảm (sensitivity) trong ngắn hạn, khả năng dễ bị tổn thương (vulnerability) trong dài hạn, và tính cân xứng của một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Sự nhạy cảm hàm ý số lượng và tốc độ của những tác động do sự phụ thuộc gây ra, có nghĩa là sự thay đổi trong một phần của hệ thống sẽ mang lại sự thay đổi trong các phần còn lại của hệ thống nhanh chóng đến mức nào.
Trong khi đó khả năng dễ bị tổn thương liên quan đến chi phí tương đối của việc thay đổi cấu trúc một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Đó chính là chi phí của việc thoát khỏi hệ thống đó hoặc thay đổi luật chơi. Một quốc gia ít dễ bị tổn thương hơn so với quốc gia khác không nhất thiết có nghĩa là quốc gia đó ít nhạy cảm hơn, mà là quốc gia đó sẽ phải chịu chi phí thấp hơn trong việc thay đổi tình hình.
Ví dụ, trong suốt cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, nguồn năng lượng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 16% trong tổng số năng lượng mà Mỹ sử dụng. Trong khi đó, năm 1973 Nhật Bản phụ thuộc tới 95% vào năng lượng nhập khẩu. Mỹ vẫn nhạy cảm đối với cuộc cấm vận dầu lửa của thế giới Ảrập do giá cả leo thang năm 1973, nhưng lại không bị tổn thương nhiều như Nhật Bản.
Trong khi đó, tính cân xứng chỉ sự phụ thuộc tương đối cân bằng, ngược với sự phụ thuộc không cân bằng. Trở nên ít bị phụ thuộc hơn có thể là một nguồn của quyền lực. Nếu hai bên phụ thuộc lẫn nhau nhưng một bên ít phụ thuộc hơn bên kia thì bên ít phụ thuộc hơn có quyền lực hơn miễn là cả hai đều coi trọng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó.
Trong khi đó, trường hợp bất cân xứng hoàn toàn – trong đó một bên hoàn toàn bị phụ thuộc vào bên kia, lại rất phổ biến. Nói cách khác, tính bất cân xứng là đặc điểm nổi bật của sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ quốc tế.
Tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau
Về tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau, những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực có những quan điểm trái ngược nhau.
Những nhà tự do cho rằng sự phụ thuộc kinh tế sẽ dẫn đến hòa bình và thịnh vượng. Trao đổi thương mại gia tăng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận, khiến họ không muốn tiến hành chiến tranh và xâm chiếm lẫn nhau. Hay nói cách khác, lợi ích của thương mại sẽ lớn hơn lợi ích mà các quốc gia thu được qua chiến tranh và xâm chiến lãnh thổ. Chính vì vậy sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ nuôi dưỡng hòa bình.
Quan điểm thứ hai của những nhà tự do về sự phụ thuộc kinh tế là sự phụ thuộc kinh tế giúp gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau. Như Bruce Russet giải thích: "khi một người tham gia vào thương mại quốc tế họ có thể tiếp cận nhiều thông tin và ý tưởng mà không thể có được từ các nguồn khác". Do đó thương mại và sự phụ thuộc lẫn nhau làm gia tăng hiểu biết lẫn nhau, giảm các hiểu lầm – vốn là một trong những nguyên nhân của chiến tranh.
Quan điểm thứ ba của những nhà tự do gắn sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với hòa bình thông qua cơ cấu trong nước. Lập luận này cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau làm thay đổi những sắp xếp trong nước của một quốc gia, làm gia tăng ảnh hưởng của những nhóm có lợi ích trong các mối quan hệ thương mại hòa bình.
Cụ thể là thương mại tự do chuyển cán cân quyền lực từ giai cấp cầm quyền truyền thống – được cho là chú ý vào việc tìm kiếm vinh quang và những hành động hiếu chiến, sang giai cấp thương mại – vốn quan tâm đến việc tạo ra của cải hơn là tìm kiếm vinh quang quân sự.
Ngược lại những nhà hiện thực lại cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ làm tăng khả năng tiến hành chiến tranh giữa các quốc gia vì nó khiến các quốc gia trở nên dễ bị tổn thương hơn trong các mối quan hệ phụ thuộc. Các quốc gia tồn tại trong hệ thống quốc tế vô chính phủ, với mối quan tâm hàng đầu là an ninh, sẽ không thích sự phụ thuộc.
Kenneth Waltz cho rằng khác với bối cảnh của nền kinh tế – chính trị trong nước, trong chính trị quốc tế, khi một quốc gia càng chuyên môn hóa thì nó càng phụ thuộc vào các quốc gia khác đối với các sản phẩm mà nó không sản xuất được. Chính vì vậy, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các nước khác thường hay lo lắng đảm bảo những gì mà họ phụ thuộc.
Theo đó, họ có xu hướng kiểm soát điều họ phụ thuộc vào hay giảm mức độ phụ thuộc của họ. Và khi quốc gia phải đối mặt với tính dễ tổn thương trước chính sách của các quốc gia khác do sự phụ thuộc mang lại, họ thường có xu hướng sử dụng bạo lực để vượt qua điều đó.
Mặc dù cuộc tranh luận giữa các quan điểm trái ngược nhau này vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay nhưng với sự gia tăng toàn cầu hóa cũng như sự vắng bóng các cuộc chiến tranh giữa các cường quốc kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, có thể thấy rằng dường như quan điểm của chủ nghĩa tự do đang thắng thế. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng sẽ tiếp tục là một đặc điểm quan trọng và một xu thế định hình tương lai của nền chính trị quốc tế đương đại.
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)