|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ngoại giao pháo hạm (Gunboat diplomacy) là gì?

23:56 | 17/10/2019
Chia sẻ
Ngoại giao pháo hạm (tiếng Anh: Gunboat diplomacy) là việc phô trương sức mạnh quân sự và thông qua đó đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại, như buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề lãnh thổ hay thương mại.
ngoại giao pháo hạm

Nguồn: Idaho Mountain Express

Ngoại giao pháo hạm 

Khái niệm

Ngoại giao pháo hạm trong tiếng Anh là gunboat diplomacy.

Ngoại giao pháo hạm là việc phô trương sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa chiến tranh và thông qua đó đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại, như buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề lãnh thổ hay thương mại.

Hoạt động ngoại giao pháo hạm

Ngoại giao pháo hạm xuất hiện trong thời kì diễn ra các cuộc xâm chiếm thuộc địa trên thế giới của các cường quốc Châu Âu (khoảng nửa sau thế kỉ 19). Trong thời này, các cường quốc Châu Âu thường cho tàu chiến neo đậu ngoài khơi các quốc gia mà họ muốn đe dọa và gây áp lực trong quá trình đàm phán các hiệp ước bất bình đẳng. Đôi khi để tăng tính đe dọa, các tàu chiến này còn được lệnh biểu dương lực lượng bằng cách nã đại bác trên biển.

Với sức mạnh quân sự vượt trội và thông qua hình thức ngoại giao pháo hạm, các cường quốc Châu Âu thời bấy giờ đã dễ dàng ép buộc các quốc gia yếu hơn phải chấp nhận các điều ước bất bình đẳng, buộc các quốc gia này phải nhượng lại đất đai hoặc trở thành thuộc địa, đồng thời mở cửa các hải cảng để các thương thuyền của họ vào trao đổi thương mại. 

Một ví dụ tiêu biểu cho hoạt động ngoại giao pháo hạm chính là việc thuyền trưởng Mathew Perry của Mỹ vào năm 1853 đã cho bốn tàu chiến neo trong vịnh Tokyo nhằm ép buộc chính quyền Nhật Bản lúc bấy giờ mở cửa các thương cảng Nhật cho các hoạt động trao đổi thương mại với nước ngoài.

Ngày nay với việc luật pháp và các chuẩn tắc quốc tế phát triển, việc đe dọa sử dụng vũ lực theo đó cũng bị hạn chế. Tuy nhiên ngoại giao pháo hạm, hay ngoại giao cưỡng bức, vẫn tiếp tục là "chiếc gậy" được một số cường quốc sử dụng. 

Ví dụ, trong thời gian từ tháng 7 năm 1995 đến tháng 3 năm 1996, Trung Quốc đã liên tục cho tiến hành các vụ thử tên lửa trong vùng biển xung quanh Đài Loan nhằm răn đe chính quyền của Tổng thống Lý Đăng Huy không được theo đuổi chính sách tìm kiếm độc lập chính thức cho hòn đảo này, gây nên cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba. 

Đáp lại, vào tháng 3 năm 1996, chính quyền Clinton đã cử hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence của Hạm đội 7 tới gần eo biển Đài Loan nhằm răn đe Trung Quốc. Động thái này của Mỹ đã góp phần khiến Trung Quốc phải xuống thang, chấm dứt các cuộc thử tên lửa và cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba đã kết thúc sau đó.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)