Quan điểm hiện đại về kiểm toán là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: pstellatoscpa)
Quan điểm hiện đại về kiểm toán
Khái niệm
Quan điểm hiện đại về kiểm toán phát biểu rằng: "Kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động cần kiểm toán bằng hệ thống phương pháp kĩ thuật của kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lí có hiệu lực."
Lĩnh vực trong kiểm toán
Kiểm toán bao gồm 4 lĩnh vực chủ yếu:
- Kiểm toán về thông tin (information audit) là hướng vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu, thông tin.
Ví dụ: Một hóa đơn phản ánh một nghiệp vụ mua hàng với trị giá là 150 triệu thì kiểm toán viên sẽ hướng vào việc xác minh số tiền 150 triệu ở đây là có chính xác hay không. Xem xét thông tin về nghiệp vụ kinh tế phát sinh như vậy đã chính xác hay chưa.
- Kiểm toán qui tắc (kiểm toán tuân thủ – Regularity audit) hướng vào việc đánh giá tình hình thực hiện các chế độ, thể lệ, luật pháp của đơn vị kiểm tra trong quá trình hoạt động.
Ví dụ: Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp qui định: Chi phí lãi vay doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lí theo lãi suất thực tế khi kí hợp đồng vay nhưng tối đa không được quá 1,3 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay.
Nghĩa là, nếu tại thời điểm vay, mức lãi suất của ngân hàng thương mại là 1%/tháng, nhưng doanh nghiệp lại đi vay tổ chức bên ngoài với mức lãi suất là 1,5%/tháng.
-> Doanh nghiệp chỉ được tính vào chi phí 1,3%/tháng, phần 0,2%/tháng vượt thì phải trừ khỏi lợi nhuận sau thuế khi tính chi phí hợp lệ để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu trong năm, doanh nghiệp lỗ thì phần vượt quá này treo trên TK3388 để trừ vào lợi nhuận sau thuế của năm sau – nếu có lãi).
Mặc dù xét về mặt kế toán: 1,5%/tháng mức lãi suất đều được coi là chi phí kế toán. Tuy nhiên, xét trên góc độ thuế thì chỉ có 1,3%/tháng là hợp lệ.
-> Khi xem xét tính tuân thủ đối với việc hạch toán chi phí lãi vay này tức là kiểm toán viên xem xét xem đơn vị đã hạch toán đúng như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp qui định hay chưa.
- Kiểm toán hiệu quả (Efficiency audit) là hướng đến việc xem xét, đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đạt được và chi phí về sử dụng nguồn lực để có được kết quả đó trong từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Kiểm toán hiệu quả hướng tới từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Một nghiệp vụ được coi là hiệu quả nếu như kết quả đạt được là tối đa với chi phí bỏ ra là tối thiểu. Kiểm toán viên sẽ xem xét tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực trong từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh như vậy.
- Kiểm toán hiệu năng (Effectiveness audit) hướng tới đánh giá năng lực quản lí và thường hướng tới chương trình, dự án cụ thể trên cơ sở xem xét khả năng hoàn thành nhiệm vụ hay mục tiêu đề ra không.
Nếu như kiểm toán hiệu quả, kiểm toán viên quan tâm cả kết quả đạt được và chi phí bỏ ra thì kiểm toán hiệu năng, kiểm toán viên chú ý nhiều hơn tới việc đạt được các nhiệm vụ hay mục tiêu đã đề ra.
Kiểm toán hiệu năng được đặc biệt quan tâm ở khu vực công cộng (các đơn vị, chương trình, dự án có sử dụng ngân sách Nhà nước) nơi mà các lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội được ưu tiên đặt ra hơn.
Bản chất kiểm toán
Từ việc phân tích 3 quan điểm trên về kiểm toán, chúng ta có thể rút ra bản chất của kiểm toán:
- Kiểm toán là hoạt động độc lập, chức năng cơ bản của kiểm toán là xác minh, thuyết phục để tạo niềm tin cho những người quan tâm vào những kết luận kiểm toán.
- Kiểm toán thực hiện mọi hoạt động kiểm tra, kiểm soát những vấn đề liên quan đến thực trạng tài sản, các nghiệp vụ tài chính và sự phản ánh của nó trên sổ sách kế toán cùng hiệu quả đạt được.
- Nội dung trực tiếp của kiểm toán trước hết và chủ yếu là thực trạng hoạt động tài chính.
- Để thực hiện chức năng của mình, đòi hỏi kiểm toán phải hình thành một hệ thống phương pháp kĩ thuật riêng bao gồm hệ thống phương pháp kiểm toán chứng từ và hệ thống phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ.
- Kiểm toán được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên sâu về kiểm toán.
(Tài liệu tham khảo: Bản chất, chức năng và ý nghĩa của kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)