|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quan điểm truyền thống về kiểm toán là gì? Đặc trưng

16:27 | 11/09/2019
Chia sẻ
Quan điểm truyền thống về kiểm toán phát biểu rằng kiểm toán được đồng nghĩa với kiểm tra kế toán, một chức năng của bản thân kế toán, một thuộc tính cố hữu của kế toán.
Auditing-process

Hình minh hoạ (Nguồn: startups)

Quan điểm truyền thống về kiểm toán

Khá niệm

Quan điểm truyền thống về kiểm toán hay quan điểm đồng nhất giữa kiểm toán và kiểm tra kế toán.

Quan điểm này phát biểu rằng kiểm toán được đồng nghĩa với kiểm tra kế toán, một chức năng của bản thân kế toán, một thuộc tính cố hữu của kế toán. Nội dung của hoạt động này là rà soát các thông tin từ chứng từ kế toán đến tổng hợp cân đối kế toán.

Đặc trưng

Đây là quan điểm mang tính truyền thống trong điều kiện kiểm tra chưa phát triển và trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Trong cơ chế này, Nhà nước vừa là chủ sở hữu, vừa thực hiện lãnh đạo trực tiếp nền kinh tế. 

Do đó, chức năng kiểm tra của Nhà nước được thực hiện trực tiếp với mọi thực thể kinh tế – xã hội thông qua nhiều khâu. 

Kể cả kiểm tra kế hoạch, kiểm tra thực hiện kế hoạch, xét duyệt hoàn thành kế hoạch, kể cả kiểm tra tài chính thường xuyên qua "Giám sát viên của Nhà nước đặt tại xí nghiệp" là kế toán trưởng, đến việc xét duyệt quyết toán và kể cả thanh tra các vụ việc cụ thể.

Bước tiến mới

Từ khi chuyển đổi cơ chế kinh tế, với chủ trương đa phương hóa đầu tư, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, Nhà nước không còn là chủ sở hữu duy nhất. 

Từ đó sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước bằng kế hoạch, bằng kiểm tra trực tiếp... không thể thực hiện với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, kể cả với các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí với các doanh nghiệp nhà nước. 

Cách thức can thiệp của Nhà nước cũng không thể như cũ được nữa.

Mặt khác, các nhà đầu tư, khách hàng, người lao động... cũng cần có niềm tin vào tài liệu kế toán trong khi họ không có đủ đội ngũ chuyên gia kế toán đông đảo như Nhà nước. 

Đồng thời những nhà kinh doanh trong cơ chế thị trường cũng cần biết và tránh rủi ro thường có. Như vậy, người quan tâm đến thông tin kế toán không chỉ có

Nhà nước mà còn có tất cả các nhà đầu tư, những nhà quản lí, những khách hàng và người lao động... Vì vậy, công tác kiểm tra cần được thực hiện rộng rãi, đa dạng song thật khoa học, khách quan, trung thực, đủ sức thuyết phục và tạo niềm tin cho mọi người quan tâm. 

Trong điều kiện đó, việc tách kiểm toán khỏi những hoạt động kế toán và hình thành khoa học kiểm toán độc lập là một xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử.

(Tài liệu tham khảo: Bản chất, chức năng và ý nghĩa của kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi