Kiểm toán tài chính (Financial audit) là gì? Đặc điểm
Hình minh hoạ (Nguồn: trinityp3)
Kiểm toán tài chính
Khái niệm
Kiểm toán tài chính hay kiểm toán bảng khai tài chính trong tiếng Anh được gọi là financial audit.
Kiểm toán tài chính là một loại hình kiểm toán hướng vào việc xác minh và bày tỏ ý kiến về tính trung thực và hợp lí của các thông tin được trình bày trên bảng khai tài chính do các kiểm toán viên có trình độ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lí đang có hiệu lực.
Đặc điểm
Kiểm toán tài chính có các đặc điểm chính sau đây:
- Đối tượng của kiểm toán tài chính là các bảng khai tài chính.
Bảng khai tài chính bao gồm thông tin kinh tế được trình bày trên cơ sở chuẩn mực và chế độ kế toán khái quát về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, luồng lưu chuyển tiền tệ của một cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin cho người sử dụng chúng trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế.
Bảng khai tài chính của đơn vị kế toán có các hoạt động thu chi ngân sách nhà nước, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước bao gồm:
Bảng cân đối tài khoản
Báo cáo thu chi, bản thuyết minh báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo qui định của pháp luật.
Bảng khai tài chính của đơn vị kế toán thực hiện hoạt động kinh doanh gồm: Bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.
- Chủ thể và khách thể trong kiểm toán tài chính được xác định tùy thuộc vào từng cuộc kiểm toán cụ thể. Với các đơn vị sử dụng kinh phí hoặc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì việc kiểm toán các bảng khai tài chính thường do kiểm toán nhà nước thực hiện.
- Mục tiêu kiểm toán: Xác minh về tính trung thực và hợp lí của các thông tin trình bày trên bảng khai tài chính.
- Cơ sở tiến hành kiểm toán: Nhằm đạt được mục tiêu trên, kiểm toán viên phải dựa vào hệ thống chuẩn mực kế toán (là cơ bản), chế độ kế toán hiện hành cùng hệ thống các văn bản pháp lí đang có hiệu lực điều chỉnh hoạt động của khách thể kiểm toán.
Do những người sử dụng bảng khai tài chính thường là bên ngoài đơn vị được kiểm toán, quan tâm đến thông tin tài chính với các mục đích khác nhau nên cơ sở thực hiện kiểm toán (hệ thống chuẩn mực) cần phải đảm bảo tính thống nhất.
- Kết quả kiểm toán: Kết quả kiểm toán phải thể hiện được ý kiến của chủ thể kiểm toán về độ tin cậy của thông tin được trình bày trong bảng khai tài chính. Các kết luận này có thể được trình bày trong biên bản kiểm toán, và chủ yếu là trong báo cáo kiểm toán.
Chẳng hạn, với các công ty kiểm toán độc lập, báo cáo kiểm toán phải được trình bày theo mẫu được qui định trong chuẩn mực kiểm toán.
Bên cạnh đó, kiểm toán viên có thể cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng như đưa ra các lời khuyên hoặc tư vấn về hoàn thiện kiểm soát nội bộ hoặc hệ thống kế toán của khách thể kiểm toán trong thư quản lí.
(Tài liệu tham khảo: Phân loại kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)