|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương thức chuyển giao công nghệ là gì?

16:56 | 01/04/2020
Chia sẻ
Phương thức chuyển giao công nghệ cho biết cách thức tiến hành các hoạt động chuyển giao.
Phương thức chuyển giao công nghệ là gì?  - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Techtransfer)

Phương thức chuyển giao công nghệ

Khái niệm

Phương thức chuyển giao công nghệ trong tiếng Anh gọi là: Method of technology transfer.

Phương thức chuyển giao công nghệ là phương thức cho biết cách thức tiến hành các hoạt động chuyển giao.

Phân loại

- Mua bán giấy phép: Bên xuất khẩu công nghệ chuyển nhượng quyền sử dụng công nghệ cho bên nhập. Nội dung bao gồm chuyển nhượng độc quyền, công nghệ riêng và quyền sử dụng nhãn hiệu.

- Hợp tác sản xuất: Các bên đối tác cùng khai thác công nghệ phát triển sản phẩm mới, cung cấp linh kiện, chi tiết sản phẩm cho nhau, cùng nhau tiêu thụ sản phẩm. Công nghệ cần thiết được sử dụng trong các chương trình hợp tác sản xuất có thể do bên chuyển giao cung cấp.

- Chuyển giao công nghệ có kèm đầu tư tư bản: Đây là hình thức chuyển giao công nghệ giữa các nước phát triển với nhau, giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. Theo đây, công nghệ sẽ được chuyển giao từ các doanh nghiệp nước này cho các doanh nghiệp thuộc nước khác thông qua đầu tư trực tiếp.

- Mậu dịch bù trừ: Đây là một phương thức kết hợp giữa nhập công nghệ và vay tiền vốn, mở rộng quan hệ mậu dịch quốc tế. Đặc điểm của nó là kinh phí nhập công nghệ không phải trực tiếp trả bằng tiền mà là hoàn trả bằng sản phẩm.

- Dịch vụ tư vấn: Mời các tổ chức tư vấn nước ngoài phục vụ về các phương tiện nhằm đề xuất tư vấn công nghệ, tư vấn công trình, tư vấn quản lí, bồi dưỡng, đào tạo nhân viên kĩ thuật.

- Nhập nhân tài công nghệ: Thông qua việc mỗi chuyên gia nước ngoài đảm nhận công tác nhằm nghiên cứu, khai thác phát triển, lắp đặt, điều khiển thí nghiệm, sản xuất của các hạng mục.

Phân biệt theo mức độ chuyển giao:

- Trao kiến thức: Việc chuyển giao công nghệ dừng ở mức độ truyền đạt, hướng dẫn, huấn luyện, tư vấn. Bên tiếp nhận tự tiến hành các hoạt động triển khai cụ thể để đưa công nghệ vào sử dụng.

- Trao chìa khóa: Theo đó, bên chuyển giao sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị, hướng dẫn qui trình, công thức, bí quyết cho đến khi hoàn tất toàn bộ cơ sở sản xuất và trao chìa khóa cho bên nhận sau khi đã tổ chức cho bên tiếp nhận công nghệ sản xuất thử thành công.

- Trao sản phẩm: Trong trường hợp này, bên chuyển giao cũng phải chuyển giao kiến thức, lắp đặt thiết bị, hướng dẫn qui trình, ... Trách nhiệm này của bên giao công nghệ kéo dài đến khi bên tiếp nhận công nghệ sản xuất thành công một số loại sản phẩm theo công nghệ được chuyển giao.

- Trao thị trường: Đây là trường hợp mà bên chuyển giao công nghệ bàn giao luôn cả thị trường hoặc một bộ phân thị trường về sản phẩm mà bên giao có vị trí khả quan cho bên tiếp nhận công nghệ.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí kĩ thuật và công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)

Tuyết Nhi